Multimedia Đọc Báo in

Y Per Êung năng động làm giàu

08:05, 29/03/2022

Trước đây, gia đình ông Y Per Êung (dân tộc M’nông, tên thường gọi Ama Nguyên, trú buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) thuộc diện nghèo, kinh tế gia đình luôn hụt trước thiếu sau. Thu nhập của cả nhà chỉ trông chờ vào mấy sào lúa nước; nhưng vì thiếu kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật cộng với thiếu vốn đầu tư… nên hiệu quả thấp.

Sau những năm 2000, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, ông Y Per Êung mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư, đồng thời tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, diện tích lúa của gia đình phát triển tốt, cho năng suất, thu nhập cao hơn trước, cuộc sống dần ổn định và có nguồn tích trữ. Từ đây, ông Y Per Êung mua thêm ruộng đất và các tư liệu sản xuất để mở mang diện tích phát triển trồng lúa nước, cà phê, mua máy cày vừa phục vụ sản xuất của gia đình, vừa làm dịch vụ cày thuê cho bà con trong buôn làng. Ông còn mua thêm một con voi và đầu tư làm dịch vụ du lịch.

Ông Y Per Êung chăm sóc vườn cà phê.

Đến nay, gia đình ông Y Per Êung đã có 5 ha đất nông nghiệp, trong đó có 2,5 ha ruộng lúa nước hai vụ, 2,5 ha cà phê, 1 con voi, 10 con bò, 3 con trâu; tổng thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, gia đình ông còn làm dịch vụ du lịch cộng đồng homestay, thành lập đội hát múa, đánh chiêng tham gia biểu diễn các tiết mục nghệ thuật phục vụ khách du lịch, vừa có thu nhập, vừa tạo việc làm cho lao động ở trong buôn.

Mô hình sản xuất, dịch vụ của gia đình ông Y Per Êung đã tạo việc làm thời vụ cho 20 lao động ở địa phương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Y Per Êung còn là người có uy tín trong buôn, được bà con tín nhiệm bầu giữ chức buôn trưởng, chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, chi hội trưởng chi hội nông dân buôn.

Vy Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.