Làm nông thích ứng với biến động thị trường
Chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, xăng, dầu… tăng cao khiến nông dân gặp khó. Trước thực tế này, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cư M’gar đã linh hoạt thay đổi cách thức canh tác, thích ứng với biến động thị trường nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Gặp khó vì vật tư nông nghiệp tăng
Mới đi vào hoạt động chưa lâu với ngành nghề thu mua nông sản, sản xuất và chế biến cà phê chất lượng cao, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp bền vững Cư Suê 2/9 (huyện Cư M’gar) lại đối diện với nhiều khó khăn do giá cả tăng cao.
Ông Đặng Dậu Thanh, Giám đốc HTX chia sẻ, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ, cộng thêm giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao làm đội chi phí sản xuất của nhà nông.
Đơn cử như giá phân bón, có loại giá đã tăng gấp đôi so với vài năm trước đây. Giá dầu cũng liên tục tăng cao ảnh hưởng lớn đến việc vận hành máy móc và tưới nước trên diện tích cây trồng của các thành viên HTX.
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Bình Minh được hướng dẫn cách ủ phân từ vỏ cà phê và men vi sinh tạo thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng. |
HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Minh (xã Cư Suê) cũng không ngoại lệ. HTX có 27 thành viên, giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến HTX gặp khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Bà Triệu Thị Châu, Giám đốc HTX cho hay, đơn vị cố gắng linh hoạt trong vận hành nhằm giảm tối đa chi phí sản xuất, nhưng chi phí đầu vào tăng khiến các thành viên càng thêm chật vật hơn. Trước đó, mùa thu hoạch sầu riêng năm 2021, giá sản phẩm đã giảm 50% do dịch COVID-19, nay chi phí sản xuất tăng cao nên lợi nhuận của thành viên sẽ bị giảm sút.
Theo ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, bên cạnh sự chủ động thay đổi trong sản xuất của người dân thì rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc điều tiết giá của các mặt hàng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ nông dân tiết giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh hiện nay. |
Gia đình anh Triệu Hồng Ba (buôn Ea Tar, xã Ea Tar) có gần 4 ha cà phê, trồng xen cây ăn trái vừa kiến thiết, vừa kinh doanh. Anh tâm sự, gần 2 năm nay, giá vật tư đầu vào bị đẩy lên cao, phân bón có loại đã tăng từ 50 - 100%, cộng thêm vào đó, tiền thuê nhân công cao khiến chi phí sản xuất tăng vọt. Làm nông không thu về lợi nhuận được là bao.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Nguyễn Công Văn, huyện Cư M’gar là một trong những địa phương có đất đai, khí hậu rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp với các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do biến động giá cả đầu vào liên tục tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, gây nhiều khó khăn cho nông dân, HTX trên địa bàn huyện.
Nỗ lực làm chủ sản xuất
Trước biến động giá cả vật tư đầu vào làm tăng chi phí sản xuất, nhiều nông dân, HTX trên địa bàn huyện Cư M’gar nỗ lực thay đổi thói quen, làm chủ sản xuất nông nghiệp theo hướng tiết giảm tối đa chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích cây trồng.
Những năm qua, Phòng NN-PTNT huyện tăng cường hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả với từng loại cây trồng ở từng thời điểm sinh trưởng; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, triển khai các mô hình tưới nước tiết kiệm; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Theo đó, nhiều nông dân đã chủ động tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, bón phân, tưới nước hợp lý để tránh tình trạng sử dụng quá nhiều, gây lãng phí. Từ đó giảm chi phí sản xuất, giảm tác động xấu khi vật tư đầu vào tăng giá như hiện nay.
Nông dân huyện Cư M'gar sử dụng điện để tưới thay vì tưới dầu nhằm giảm chi phí sản xuất. |
Canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã trở thành xu thế để hướng đến nền sản xuất bền vững. Cách làm này vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Anh Triệu Hồng Ba cho biết, hơn một năm nay, giá phân bón hóa học tăng mạnh, gia đình anh chuyển sang dùng phân vi sinh để bón cho vườn cà phê, sầu riêng của mình. Nhưng từ cuối năm 2021 đến nay, giá phân vi sinh cũng tăng 2 triệu đồng/tấn, nên để ứng phó với tình trạng trên, anh tận dụng thêm vỏ cà phê, phân bò, mua thêm cá và các chế phẩm khác ủ để làm phân vi sinh. Riêng phân cá, với mức chi phí 3 triệu đồng, chỉ trong hơn hai tháng ủ thì sẽ có được khoảng vài trăm lít đạm cá vừa giúp gia đình anh tiết giảm chi phí đầu tư phân bón vừa giúp vườn cây phát triển tốt hơn.
Tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Minh, hiện nay 100% thành viên đều dùng điện để tưới thay vì tưới dầu nhằm tiết kiệm chi phí, nhiều nông dân còn chủ động đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn sầu riêng, cà phê để tăng hiệu quả canh tác. Bà Triệu Thị Châu cho hay, quá trình canh tác, các thành viên HTX cũng giảm tối đa lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Những năm trước, phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, nông dân thường vứt bỏ hoặc bán đi. Hiện nay, nhiều hộ đã chủ động giữ lại, ủ phân từ vỏ cà phê, vỏ trấu, thân cây ngô để bón cho cây trồng, giúp giảm được đến 30% chi phí đầu tư. Điều này giúp người dân giảm thiểu chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả kinh tế cũng như hướng đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Hằng năm, HTX đều phối hợp với các đơn vị liên quan mở lớp tập huấn, hướng dẫn các thành viên ủ phân từ vỏ cà phê và men vi sinh tạo thành phân hữu cơ.
Bên cạnh việc tiết giảm chi phí sản xuất, nhiều nông dân huyện Cư M’gar còn chủ động, linh hoạt đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp trên cùng một diện tích canh tác nhằm duy trì ổn định trong sản xuất và thích nghi tốt với biến động thị trường.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc