Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong sản xuất nông nghiệp sạch và liên kết chuỗi

08:33, 13/01/2021

Nắm bắt xu thế thị trường, một số cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, góp phần tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động của người nông dân về gắn sản xuất với bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Chung quanh nội dung  này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN HOÀI DƯƠNG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương.
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương.

Ông đánh giá thế nào về sản xuất nông nghiệp sạch và sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Sản xuất nông nghiệp sạch và sản xuất nông sản theo chuỗi là việc tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ, từ đó giúp giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 100 cơ sở được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 114 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản. Hơn 200 HTX nông nghiệp có kết nối tiêu thụ sản phẩm và sản xuất theo hướng nông sản sạch. 34% sản lượng cà phê của tỉnh sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận của các tổ chức: 4C,UTZ, FLO-CERT, thương mại công bằng…

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, HTX, nông trại đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuỗi nông nghiệp sản xuất hữu cơ quy mô đứng đầu cả nước, có chứng nhận quốc tế, sản phẩm hữu cơ của các công ty này được ký hợp đồng tiêu thụ ổn định với các cửa hàng, siêu thị lớn trong toàn quốc. Đặc biệt, những năm trước tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ trong ngành nông nghiệp của tỉnh chỉ chiếm từ 15 – 20% nhưng đến năm 2020 đã tăng lên 40%.

Trên địa bàn tỉnh có khá nhiều mô hình sản xuất nông sản sạch theo chuỗi đã hình thành nhưng chưa đến được với đại bộ phận người tiêu dùng. Vậy đâu là nguyên nhân và cần phải có giải pháp gì để khắc phục vấn đề này, thưa ông?

Việc tiêu thụ nông sản sạch theo chuỗi còn gặp nhiều khó khăn do giá thành sản phẩm cao, thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Trong khi đó người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm rau, củ, quả nông nghiệp an toàn trong bữa ăn gia đình cũng như chưa thực sự tin tưởng về tính minh bạch của nguồn gốc sản phẩm và các kết quả chứng nhận sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch nên họ lựa chọn tiêu thụ những sản phẩm được trồng theo cách thông thường, bày bán nhiều ở chợ truyền thống, đường phố với giá thành rẻ.

Trước thực tế này, theo tôi cần phải làm tốt công tác tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao nhận thức về thực phẩm an toàn, hiểu được tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau, củ, quả, bỏ thói quen tiện đâu mua đấy. Đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết hợp tác, tạo ra vùng sản xuất tập trung nhằm giảm giá thành sản phẩm và dễ kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở tiêu thụ.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên.

Có nhiều ý kiến cho rằng, chính sách phát triển nông nghiệp sạch còn nhiều bất cập, khó mở rộng quy mô liên kết chuỗi. Theo ông, để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp, cơ chế như thế nào?

Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, những chính sách này còn khá chung chung, chưa có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ cụ thể và thủ tục còn phức tạp. Đơn cử như Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5-8-2018 của Chính phủ về “Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp”, các HTX và doanh nghiệp rất khó tiếp cận vì thủ tục còn phức tạp, yêu cầu đòi hỏi cao khiến đa số nhà sản xuất vẫn phải tự mình loay hoay tìm thị trường tiêu thụ, từ đó chỉ dừng lại ở việc sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy, để các doanh nghiệp, HTX tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ thì cần rà soát, nắm bắt kịp thời những bất cập, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các chính sách để có điều chỉnh phù hợp

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần quan tâm rà soát lại các chính sách từ Trung ương đến địa phương và có hướng dẫn cụ thể giúp đối tượng thụ hưởng dễ thực hiện; cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư trong chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, từ đó phát triển sản xuất nông sản sạch, an toàn; hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng với nhiều hình thức đổi mới, thiết thực, hiệu quả…

Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh (thực hiện)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc