Bảo quản an toàn hàng dự trữ quốc gia
Một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu tại Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Nam Tây Nguyên là bảo quản an toàn nguồn hàng dự trữ quốc gia (DTQG).
Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đứng chân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Hiện, đơn vị có 2 chi cục trực thuộc, trực tiếp bảo quản hàng DTQG là Chi cục DTNN Đắk Lắk với tích lượng 10.000 tấn và Chi cục DTNN Lâm Đồng với tích lượng 6.000 tấn.
Thời gian qua, công tác bảo quản hàng DTQG là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị quan tâm, đặt lên hàng đầu. Đơn vị thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra các Chi cục DTNN trong việc tuân thủ nghiêm quy trình, quy định bảo quản hàng DTQG.
Tại các chi cục, chất lượng hàng DTQG được kiểm soát chặt chẽ ngay từ khi nhập kho, hàng hóa bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong quá trình bảo quản hàng hóa lưu kho, đội ngũ kỹ thuật viên, thủ kho thường xuyên kiểm tra hàng hóa, kho tàng, theo dõi diễn biến thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm để có biện pháp xử lý kịp thời đối với từng loại hàng cho phù hợp. Đối với nhóm hàng vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn thì định kỳ lau chùi, tra dầu mỡ, nhiên liệu, cho nổ thử với các loại máy móc và đảo, xếp, phơi với các loại vật tư như nhà bạt, phao áo, phao tròn…
Riêng mặt hàng gạo DTQG lưu kho được bảo quản theo công nghệ bảo quản kín bổ sung khí nitơ duy trì nồng độ ≥ 98% nhằm giảm đến mức thấp nhất nồng độ khí ôxy trong lô gạo ≤ 2%, hạn chế quá trình ôxy hóa làm suy giảm chất lượng gạo và các hoạt động sống của côn trùng, vi sinh vật. Do đó, trong quá trình bảo quản gạo, nồng độ khí nitơ được kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài ra, công tác xây dựng vùng kho an toàn - xanh - sạch - đẹp tại các chi cục được duy trì thường xuyên, bố trí bảo vệ vùng kho bảo đảm 24/24 giờ. Mọi hoạt động nhập, xuất hàng đều được giám sát chặt chẽ bởi hệ thống camera nối mạng liên thông từ chi cục cho đến Tổng cục DTNN.
Thủ kho bảo quản Chi cục Dự trữ Nhà nước Đắk Lắk dán màn phủ và kiểm tra độ kín của lô gạo dự trữ. |
Nếu như những ngày đầu thành lập, kho tàng cũ kỹ, xuống cấp, có tích lượng nhỏ, thì nay hệ thống kho tại đơn vị đã được đầu tư xây dựng hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo quản hàng DTQG. Dự kiến, trong năm 2022 này, Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên sẽ hoàn thành việc xây dựng thêm một điểm kho thuộc Chi cục DTNN Đắk Nông (tỉnh Đắk Nông), giai đoạn 1 có tích lượng 5.000 tấn và đưa vào hoạt động đầu năm 2023. Danh mục mặt hàng DTQG tại đơn vị đến nay cũng ngày càng đa dạng, đáp ứng kịp thời yêu cầu xuất cấp trên địa bàn quản lý gồm: lương thực; vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn như: nhà bạt, phao áo cứu sinh, phao tròn cứu sinh, thiết bị chữa cháy rừng, máy phát điện, xuồng cao tốc...
“Trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi được giao nhiệm vụ, đơn vị luôn sẵn sàng nguồn hàng; công chức, người lao động nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, bảo quản an toàn tuyệt đối về số lượng, chất lượng hàng hóa, vật tư dự trữ quốc gia và thực hiện nhập, xuất, bảo quản hàng theo đúng quy trình, quy định”. Ông Nguyễn Nam Thắng, Cục trưởng Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên
|
Đáng chú ý, những năm trở lại đây, đơn vị đã không ngừng cải tiến, áp dụng phương pháp, công nghệ bảo quản hiện đại để nâng cao chất lượng hàng DTQG. Anh Phạm Ngọc Thắng, thủ kho bảo quản tại Chi cục DTNN Đắk Lắk cho hay, với nhóm hàng lương thực, đối với mặt hàng thóc, từ chỗ bảo quản theo phương pháp đổ rời thoáng tự nhiên, còn nhiều hạn chế như tỷ lệ hao hụt lớn, định kỳ phải sử dụng các biện pháp xông hơi khử trùng để diệt sinh vật hại phát sinh trong quá trình lưu kho, thì đơn vị đã chuyển sang bảo quản 100% bằng phương pháp áp suất thấp, đã khắc phục được hầu hết các hạn chế của phương pháp cũ. Cột mốc đáng ghi nhận là năm 1993, đơn vị đã ứng dụng công nghệ bảo quản gạo bằng phương pháp yếm khí, bổ sung khí CO2 và tiến tới bảo quản 100% gạo DTQG bằng phương pháp bổ sung khí nitơ như hiện nay. Bên cạnh đó, trang thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác bảo quản hàng DTQG cũng được trang bị hiện đại, đầy đủ hơn như: máy đo thủy phần, máy đo nồng độ khí nitơ, máy nghiền mẫu, tủ sấy, cân phân tích điện tử...
Nhờ đó, chất lượng hàng DTQG ngày càng được nâng cao, tăng thời gian lưu kho, tiết kiệm chi phí, nhân công, giảm đáng kể hao hụt trong quá trình bảo quản; công tác kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu chất lượng của hàng hóa lưu kho bảo đảm nhanh, chính xác; hàng hóa DTQG xuất kho có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu sử dụng.
Từ kinh nghiệm thực tiễn cộng với sự tìm tòi học hỏi, các cán bộ, công chức Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên thường xuyên phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng vào công tác bảo quản hàng dự trữ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo quản tại đơn vị. Hằng năm đơn vị có hàng chục sáng kiến đã được các cấp công nhận.
Duy Khôi
Ý kiến bạn đọc