Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi số cùng đô thị thương mại

06:35, 08/05/2022

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Lắk đã có báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số trên địa bàn, cơ bản thay đổi tình hình chung về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Tuy nhiên, để chuyển đổi số hiệu quả hơn, địa phương cần định vị rõ những mũi nhọn đầu tư kinh tế và xã hội, qua đó thúc đẩy thay đổi lề lối làm việc có sẵn. Thương mại chính là một lĩnh vực cần đột phá như vậy.

Phát triển thương mại từ chuyển đổi số

Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công thương cho biết, Hội Nông dân tỉnh vừa hợp tác với sàn thương mại điện tử Sendo (TP. Hồ Chí Minh) triển khai mô hình chợ điện tử, tạo thêm một kênh giao dịch, mua bán hàng hóa nông sản cho nông dân tỉnh. Sở Công thương với vai trò tư vấn đang kết nối tổ chức mô hình giao dịch thương mại điện tử này, qua đó định hướng tập huấn, hỗ trợ khai thác hiệu quả các hệ thống thương mại về nông sản, đặc sản địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung cùng đoàn công tác của tỉnh thăm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: L.Hương

Đây là bước thí điểm trong kế hoạch chuyển đổi số của ngành công thương Đắk Lắk hướng đến khả năng áp dụng công nghệ số vào quy trình canh tác, sản xuất, chế biến và tiêu thụ các lợi thế nông nghiệp công nghệ cao. Mô hình các sàn giao dịch thương mại sử dụng dữ liệu cập nhật thường xuyên là lựa chọn cần thiết để thay đổi tư duy, cách thức buôn bán từ chính người dân. Tính sơ bộ, đến nay Đắk Lắk đã có 25 doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác, với hơn 150 sản phẩm hàng hóa nông nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử được định hướng hợp tác này. Ông Lưu nhấn mạnh, những yêu cầu đi cùng áp dụng thương mại điện tử như: giao dịch không tiền mặt, kết nối các hệ thống logistics hàng hóa, tạo thói quen dùng hóa đơn điện tử… sẽ làm tăng hiệu quả kinh doanh thương mại trong xã hội. Bộ máy quản lý ngành công thương qua đó cũng phải cấu trúc lại hợp lý, hỗ trợ tốt nhất nhu cầu giao dịch mua bán, tổ chức xuất khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp và người dân. Làm được điều này, công cuộc chuyển đổi số ở lĩnh vực công thương tỉnh thực sự sẽ có hiệu quả tốt nhất và tạo nhiều giá trị gia tăng hơn.

Số hóa đô thị

Tuy nhiên, để “bức tranh” chuyển đổi số này hiện thực hóa, những đô thị hạt nhân như TP. Buôn Ma Thuột phải thực sự được định dạng là đô thị thông minh, đô thị số hóa tiến bộ. “Doanh nghiệp có tổ chức bán hàng trực tuyến, áp dụng thương mại điện tử đến thế nào cũng phải có hệ thống kho vận, mặt bằng thương mại cụ thể với người mua. Những showroom, shophouse giới thiệu hàng hóa, quảng bá sản phẩm vì thế rất cần thiết tại các khu, cụm đô thị phát triển”, ông Trần Trọng Lưu nhấn mạnh.

Theo góc nhìn này, bối cảnh thương mại tại đô thị như Buôn Ma Thuột rất cần bổ sung, phát triển những phần diện tích đô thị hóa tăng thêm về sàn nhà ở, đất ở thương mại. Đây cũng chính là một phần biểu hiện quy hoạch mà tỉnh Đắk Lắk đặt ra những năm qua và định hướng phát triển đô thị Buôn Ma Thuột đến năm 2030, bên cạnh các khu vực huyện lỵ phụ cận. Yêu cầu đô thị hóa ở thành phố trung tâm vùng Tây Nguyên càng được đề cao, vấn đề mặt sàn thương mại thích ứng với xu thế tạo lập những đô thị “nén”, đô thị hiện đại càng cấp thiết.

Các đô thị tương lai của tỉnh phải là nơi thị dân được tiếp cận, ứng dụng các thành quả công nghệ số trong đời sống, qua đó thay đổi tư duy sinh hoạt, kinh doanh, tiếp cận thương mại điện tử và số hóa toàn diện.

Theo Sở Xây dựng Đắk Lắk, đây cũng là vấn đề ngành đặt ra về khía cạnh triển khai chuyển đổi số. Các đô thị tương lai của tỉnh phải là nơi thị dân được tiếp cận, ứng dụng các thành quả công nghệ số trong đời sống, qua đó thay đổi tư duy sinh hoạt, kinh doanh, tiếp cận thương mại điện tử và số hóa toàn diện. Các đô thị mới này phải bảo đảm điều kiện hạ tầng kỹ thuật (điện, Internet…), đồng thời phải có tỷ lệ mặt bằng thương mại trong thiết kế quy hoạch, tạo điều kiện hình thành những khu, cụm đô thị thương mại giá trị, nâng cao mức sống người dân. Những phần diện tích đất, sàn nhà ở gắn với giá trị thương mại đầu tư, phải được tính toán hợp lý và đón đầu xu hướng bùng nổ công nghệ số trong đời sống kinh tế người dân.

Buôn Ma Thuột lại là một thành phố có tiềm năng thương mại. So với một số đô thị khác, hoạt động thương mại hàng hóa ở thành phố này được đánh giá ưu thế rõ rệt. Cho nên, áp dụng chuyển đổi số với đô thị Buôn Ma Thuột không thể tách rời mạng lưới quy hoạch chỉnh thể về diện tích đô thị hóa gắn với thương mại, và những điều kiện hạ tầng đô thị đáp ứng nhu cầu đời sống văn minh, hiện đại, “kết nối vạn vật” của người dân, nhất là giới trẻ.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ra Lan Trương Thanh Hà nhìn nhận, những yêu cầu chuyển đổi số tại các ngành và lĩnh vực kinh tế, xã hội Đắk Lắk chính là phải giải quyết được bài toán này. Một khi người dân, các tổ chức doanh nghiệp địa phương sử dụng các công cụ công nghệ số thành thạo, ứng dụng hữu hiệu thương mại điện tử và tiện lợi sử dụng các dịch vụ số hóa trong đời sống, trong chính các căn hộ đô thị mới, công tác chuyển đổi số của địa phương mới thực sự có kết quả mong muốn.

 

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.