Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội xúc tiến du lịch từ các chương trình ngoài tỉnh

09:39, 22/05/2022

Tham gia các chương trình, sự kiện, liên kết... ngoài tỉnh cũng là cơ hội để ngành du lịch Đắk Lắk xúc tiến, giới thiệu đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước những tiềm năng du lịch của tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tham gia nhiều chương trình xúc tiến như: Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2022 tại Hà Nội; Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2022 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội); triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” tại TP. Cần Thơ; trưng bày “Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - xưa và nay” tại Cà Mau… Mỗi chuyến đi là một  dịp để ngành du lịch Đắk Lắk tăng cường xúc tiến, tìm cơ hội cho du lịch phát triển.

Gian hàng trưng bày và đội biểu diễn cồng chiêng Đắk Lắk tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2022. Ảnh: S.Hưng

Đơn cử như tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2022, Sở VH-TT&DL Đắk Lắk chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, Văn phòng điều phối nông thôn mới của tỉnh và các doanh nghiệp du lịch, tập trung quảng bá các chương trình du lịch, các mặt hàng OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) của địa phương, đồng thời tham gia biểu diễn văn nghệ, cồng chiêng phục vụ du khách tại hội chợ, gian hàng và hội nghị.

 

Từ ngày 19/5 đến ngày 22/5, UNBD TP. Buôn Ma Thuột sẽ tham gia Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022 với các hoạt động trưng bày sản phẩm và trình diễn nghề truyền thống dệt thổ cẩm, biểu diễn thực cảnh món ăn “Heo lai hấp nướng ống tre”, diễn tấu cồng chiêng...

Cùng với đó, tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Đắk Lắk tại Hà Nội nhằm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh đến thị trường Hà Nội và các địa phương trong cả nước. Bên cạnh việc giới thiệu những tiềm năng và lợi thế như sự đa dạng, phong phú về văn hóa truyền thống, sự giàu có về nguồn tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, phù hợp phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, hội nghị cũng giới thiệu về những chủ trương, chính sách của tỉnh để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Thái Hồng Hà khẳng định, tỉnh đã đồng hành cùng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tiến hành khảo sát, xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nông nghiệp, làng nghề, du lịch trải nghiệm cà phê, tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh... thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.

Hiện tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật du lịch để phát triển các dịch vụ thương mại kinh doanh, mua sắm hàng hóa, dịch vụ ăn uống, ẩm thực, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vui chơi giải trí, giải trí về đêm; xây dựng Đề án phát triển thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố Cà phê của thế giới”; hoàn chỉnh các dự án đầu tư, trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng… nhằm mang đến nhiều sản phẩm du lịch mới và nhiều trải nghiệm mới cho du khách. Qua đó, tạo cơ hội và môi trường để mở rộng hợp tác, kết nối, khẳng định thương hiệu du lịch Đắk Lắk trên thị trường du lịch trong và ngoài nước.

Đoàn Đắk Lắk biểu diễn nghệ thuật tại lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - xưa và nay” ở Cà Mau. Ảnh: BTĐL

Dịp Lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, Bảo tàng Đắk Lắk đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Cà Mau tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên - xưa và nay” tại Cà Mau. Trưng bày đã  giới thiệu rộng rãi đến du khách và nhân dân Cà Mau âm nhạc Cồng chiêng Tây Nguyên, đã được UNESCO ghi danh là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” (2005), “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2008), là niềm tự hào của cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng; từ đó tạo sự kết nối di sản văn hóa giữa các vùng, miền, góp phần làm phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; đồng thời nêu cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; tăng cường tình đoàn kết, giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị hoạt động văn hóa của hai tỉnh.

Tại chương trình, các đại biểu và du khách đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc của Đoàn Nghệ thuật Khmer, giao lưu biểu diễn cồng chiêng của đoàn Đắk Lắk.

Ông Trần Hùng, Phó Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho hay: “Chương trình trưng bày và biểu diễn cồng chiêng tại Bảo tàng Cà Mau được đông đảo người dân yêu thích, ủng hộ, nó mang hơi thở của núi rừng khác với vùng sông nước. Vì vậy, sức nóng chương trình còn lan tỏa đến cả những tỉnh miền Tây lân cận, họ hy vọng sau này được phối hợp cùng Bảo tàng Đắk Lắk để có các chương trình tương tự.

Có thể thấy rằng, mỗi một chương trình, một chuyến đi chính là cơ hội để xúc tiến, lan tỏa vẻ đẹp, tiềm năng của Đắk Lắk đến đông đảo công chúng, tạo nền tảng và chắp cánh cho du lịch tỉnh nhà vươn xa, thu hút khách du lịch đến với nơi đây.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.