Multimedia Đọc Báo in

Đã giải ngân 2.319 tỷ đồng cho vay theo Nghị quyết 11

15:57, 18/05/2022

Ngày 18/5, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 11).

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; đại diện các bộ, ngành. Tại Đắk Lắk có lãnh đạo NHCSXH và các sở, ngành liên quan.

Ngay sau khi có Nghị quyết 11, NHCSXH đã ban hành Kế hoạch số 933/KH-NHCS triển khai thực hiện, trong đó, tập trung huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách tín dụng. Tổng nguồn vốn cho vay trong 2 năm 2022 và 2023 theo nghị quyết này là 38.400 tỷ đồng, riêng trong năm 2022 là 19.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này, cả nước đã thực hiện giải ngân được 2.319 tỷ đồng cho vay các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11, trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 2.033 tỷ đồng, với gần 40 nghìn khách hàng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến 146 tỷ đồng, với 12.554 khách hàng; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở 140 tỷ đồng, với 794 khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là 320 triệu đồng, với 4 khách hàng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị (ảnh: TTXVN)
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Tại Đắk Lắk, Trung ương phân bổ hơn 71 tỷ đồng để triển khai 3 chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 11 gồm: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay nhà ở xã hội và cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 33 tỷ đồng cho vay nguồn vốn này. Mới đây, Trung ương cũng đã giao 259,2 tỷ đồng chỉ tiêu kế hoạch tín dụng các chương trình cho vay ưu đãi theo nghị quyết này để thực hiện cho vay chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nguồn vốn này sẽ được giải ngân trong thời gian tới.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tập trung phối hợp thực hiện cho vay theo Nghị quyết 11, bảo đảm các chương trình được triển khai kịp thời, công khai, minh bạch, đến đúng đối tượng thụ hưởng; chủ động hướng dẫn và triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025; NHCSXH tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết 11 và chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022; kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Các địa phương có trách nhiệm gắn việc thực hiện Nghị quyết với các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của từng lĩnh vực, cơ sở để đưa chính sách đi vào thực tiễn. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ban, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và những đối tượng chính sách khác để triển khai các chính sách cho vay ưu đãi có hiệu quả.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.