Multimedia Đọc Báo in

Để tháo vướng, gỡ mắc cho nông nghiệp, nông dân

08:03, 31/05/2022

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 vừa được tổ chức tại Sơn La. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là sau khi vấn đề về nông nghiệp, nông thôn và nông dân được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII.

 Việt Nam là đất nước nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa những năm qua, bên cạnh những thành tựu to lớn, đã khiến các miền quê và nông dân đứng trước quá nhiều thách thức trong việc bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 được trực tuyến đến 62 điểm cầu trong cả nước. Ảnh: Báo Sơn La
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 được trực tuyến đến 62 điểm cầu trong cả nước. Ảnh: Báo Sơn La

Nói đâu xa, ngay thời điểm này, tình trạng "sốt đất" xảy ra ở nhiều địa phương, khiến không ít nông dân bán vườn, bán đất, tạo ra những giá trị “ảo” để rồi phải làm thuê ngay trên mảnh đất của mình. Luật Đất đai chưa tạo cho bà con tâm lý an tâm canh tác lâu dài trên mảnh đất tổ tiên để lại. Khi Nhà nước thu hồi, tiền đền bù chưa thỏa đáng. Nhiều chính sách, chiến lược liên quan đến việc phát triển nông nghiệp, nông thôn thiếu bền vững, căn cơ. Nông dân làm ăn còn manh mún, sản lượng thấp. Đã vậy, đầu ra nông sản luôn ở trạng thái cần “giải cứu”. Xuất khẩu nông sản quá lệ thuộc thị trường Trung Quốc. Các thiết chế văn hóa, xã hội, thể thao, giải trí để nông dân hưởng thụ còn thiếu trầm trọng. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá cả vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao đã và đang tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn đang ở mức đáng báo động, nhất là nông dân đã quá lạm dụng phân vô cơ, các loại thuốc hóa học. Còn nhớ câu chuyện của anh Trần Quốc Trung, Chủ tịch Liên minh thương gia Việt Nam tại Moscow (Liên bang Nga), đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón hữu cơ Nga. Anh kể, nước Nga bao la, mỗi mùa đông đến tuyết phủ mọi thực vật tạo ra một nguồn phân bón hữu cơ dồi dào đến mức “chỉ múc lên là bán”. Anh Trung khẳng định, bằng quan hệ của mình sẽ giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhập phân hữu cơ Nga với giá cả vô cùng ưu tiên. Ý nghĩa tốt đẹp hơn là góp phần thay đổi quan niệm của người nông dân trong dùng phân hữu cơ để bảo vệ môi trường đất đai, nguồn nước. Để hiện thực hóa ý tưởng của mình, anh Trung bay về Việt Nam gặp một số lãnh đạo tập đoàn lớn. Song, ý tưởng tốt đẹp của anh Trung phá sản bởi nông dân ta đã quen với sử dụng phân bón vô cơ, vừa rẻ vừa hiệu quả ngay trước mắt, còn ảnh hưởng đến môi trường thì… để tương lai lo.

Với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 thực sự là diễn đàn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân; trao đổi về những khó khăn, vướng mắc, thách thức và các kiến nghị, giải pháp.

Tại hội nghị này, Thủ tướng đã yêu cầu thẳng thắn trao đổi, thảo luận, làm rõ về nhiều vấn đề quan trọng từ định hướng chiến lược, khó khăn, vướng mắc, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. “Tôi tin tưởng rằng, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, tích cực chủ động hội nhập, với ý chí "Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền" và tinh thần "Bàn tay ta làm nên tất cả - Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" của người nông dân Việt Nam; cùng với những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước; nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ phát triển ngày càng vươn xa” - là lời phát biểu tâm huyết của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.