Multimedia Đọc Báo in

Kết nối những sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ

08:15, 17/05/2022

Với hơn 100 sản phẩm được trưng bày, giới thiệu tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp cấp huyện năm 2022 được tổ chức mới đây, cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Ea Kar đã cho thấy sự mạnh dạn, sáng tạo trong hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Ngày hội đã thu hút 16 gian hàng của hội phụ nữ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu rất đa dạng, phong phú như: rượu cần, thổ cẩm, các loại trái cây, rau xanh, các món ăn, thức uống, tinh bột nghệ, tinh dầu sả. Đặc biệt, có những sản phẩm đã được sản xuất theo chuỗi như cà phê, bột ca cao, rượu ca cao, son ca cao, sôcôla...

Điểm nổi bật tại ngày hội lần này là Ban tổ chức không chỉ chấm giải các gian hàng mà còn trao vốn hỗ trợ khởi nghiệp cho 3 cán bộ, hội viên phụ nữ với tổng số tiền 60 triệu đồng.

Được nhận 20 triệu đồng vốn khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Ô vui mừng: “Tôi sẽ sử dụng số tiền này để mở rộng diện tích trồng cây mía tím, hướng dẫn, hỗ trợ giống cho các hội viên có nhu cầu nhằm giúp nhau phát triển kinh tế vì loại cây trồng này rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và có lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng cây cà phê, đầu ra cũng đang thuận lợi”.

Gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp của Hội LHPN xã Cư Prông (huyện Ea Kar).

Gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của Hội LHPN xã Cư Prông thu hút nhiều chị em tìm hiểu bởi sự bắt mắt và đa dạng của các sản phẩm. Ngoài các mặt hàng dệt thổ cẩm, còn có tinh dầu sả, các loại thuốc gia truyền, nhất là các loại bánh đặc sản của người dân tộc phía Bắc như: bánh tro, bánh dày, bánh lá, bánh khẩu sli nà giàng, bánh nướng... mang đậm hương vị truyền thống với giá cả phải chăng.

Để có đủ sản phẩm tham gia trưng bày tại ngày hội, cán bộ, hội viên phụ nữ xã Cư Prông đã chuẩn bị khá kỹ về nguyên liệu, chế biến các loại bánh, đóng gói sản phẩm. Các chị đã thức dậy từ sớm, vượt quãng đường hơn 30 km kịp thời có mặt tại trung tâm huyện để sắp xếp, bày biện gian hàng.

Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Prông Lý Thị Lan cho hay, với hơn 70% hội viên là người dân tộc phía Bắc, các chị em sinh sống tại xã vùng III nên hoạt động gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, Hội đã vận động, huy động đóng góp được trên 200 triệu đồng cho hội viên khó khăn vay xoay vòng.

Xác định muốn khởi nghiệp bền vững phải bắt đầu từ chính thế mạnh, nội lực của mình, tháng 8/2021, Hội đã thành lập mô hình bán hàng online. Những sản phẩm ẩm thực truyền thống của chị em được Hội đăng tải, giới thiệu trên Zalo, Facebook và giao đến cho khách theo đơn đặt hàng. Lợi nhuận thu được sẽ trích một phần hỗ trợ phụ nữ khó khăn. Hội LHPN xã cùng các chị em tích cực tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các dịp lễ, Tết với mong muốn quảng bá, kết nối, mở rộng kênh tiêu thụ.

Đối với chị Đào Thị Thúy, hội viên phụ nữ thôn Hạ Điền (xã Xuân Phú), đây đúng nghĩa là một ngày hội vì là dịp để hội viên phụ nữ gặp gỡ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, quảng bá, nâng tầm chất lượng và thương hiệu cho các sản phẩm, đồng thời khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền.

Các đại biểu, du khách tìm hiểu sản phẩm khởi nghiệp và đặc sản "ốc nhồi ống tre" của cán bộ, hội viên phụ nữ xã Xuân Phú (huyện Ea Kar).

Đến với ngày hội, chị Thúy và cán bộ, hội viên phụ nữ xã Xuân Phú đã quảng bá được sản phẩm thế mạnh của địa phương, đó là đặc sản “ốc nhồi ống tre”. Bén duyên với con ốc nhồi từ tháng 7/2021, ban đầu chị Thúy chỉ mua con giống ở Bắc Giang về cung cấp cho những hộ có nhu cầu, dần dần chị chuyển sang nuôi ốc nhồi với quy mô 20 vạn con và bao tiêu ốc thành phẩm cho các hộ. Để tăng lợi nhuận, chị mày mò, tìm hiểu và chế biến thành công món “ốc nhồi ống tre”, giới thiệu sản phẩm qua mạng xã hội và được thị trường Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Buôn Ma Thuột ưa chuộng.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Kar Vũ Thị Thanh Giang, các sản phẩm khởi nghiệp của cán bộ, hội viên phụ nữ huyện thể hiện rõ những đặc trưng, thế mạnh của địa phương, của phụ nữ. Chị em đã nỗ lực tìm tòi, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

Ngày hội là sự khởi đầu cho việc triển khai thực hiện Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” giai đoạn 2022 – 2025, cho hành trình khởi nghiệp của phụ nữ huyện nhà với sự đồng hành, kết nối, hỗ trợ thiết thực hơn nữa của chính quyền địa phương và các cơ sở hội.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.