Multimedia Đọc Báo in

Khu đô thị dịch vụ Cụm công nghiệp Tân An chưa mở bán dưới mọi hình thức

08:57, 19/05/2022

Thời gian gần đây, nhiều thông tin đồn thổi Dự án Khu đô thị dịch vụ Cụm công nghiệp Tân An (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) triển khai xây dựng, mở bán sản phẩm…

Theo Quyết định số 277/QĐ-UBND, ngày 01/02/2019 của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với Dự án Khu đô thị dịch vụ Cụm công nghiệp Tân An: Dự án Khu đô thị dịch vụ Cụm công nghiệp Tân An (gọi tắt là Dự án) do Công ty Cổ phần Tập đoàn VN Đà Thành (Đà Nẵng) làm chủ đầu tư có quy mô 21,74 ha tại địa bàn phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột.

Mục đích sử dụng đất là đầu tư xây dựng Khu đô thị dịch vụ Cụm công nghiệp Tân An đồng bộ, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong phạm vi dự án, khớp nối với các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, đảm bảo không gian kiến trúc cảnh quan hợp lý và tạo được bộ mặt kiến trúc đô thị hiện đại. Tổng chi phí thực hiện Dự án gần 614 tỷ đồng; trong đó, chi phí đầu tư hạ tầng cơ sở 558 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng gần 56 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án là 48 tháng.

VN Đà Thành lắp đặt pa nô thông tin về Dự án xung quanh hàng rào để bảo vệ diện tích đất đã nhận bàn giao.

Ông Trần Văn Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn VN Đà Thành cho biết, Dự án đang trong quá trình triển khai, đảm bảo đúng các quy định hiện hành. Cụ thể, qua hai đợt bàn giao mặt bằng (đợt 1 ngày 18/2/2022 và đợt 2 ngày 19/4/2022) giữa Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Buôn Ma Thuột, UBND phường Tân Lợi và Công ty thì Công ty đã nhận mặt bằng sạch của 35 hộ dân, tương đương với diện tích gần 17 ha.

Để đảm bảo an toàn cho việc dọn dẹp mặt bằng, đồng thời tránh tình trạng tái lấn chiếm đất khu vực đã thực hiện giải phóng mặt bằng, Công ty đã tiến hành thi công các công trình tạm gồm: hàng rào tôn, chòi canh bảo vệ, pa nô trên diện tích đất thuộc dự án.

“Theo quy định tại Điều 131 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), đây là công trình xây dựng tạm có thời hạn để phục vụ thi công xây dựng công trình chính nên được miễn cấp phép xây dựng”, ông Cường cho biết thêm.

Về thông tin rao bán đất nền liên quan đến Dự án, ông Trần Văn Cường khẳng định: Dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Tập đoàn VN Đà Thành đã hai lần có văn bản thông báo công khai về việc không tổ chức triển khai xây dựng các hạng mục công trình bên trong Dự án; không tổ chức kinh doanh các sản phẩm của Dự án; chưa thỏa thuận, cho phép tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu mua bán liên quan đến Dự án.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc rao bán đất đai (cả trên mạng xã hội và truyền tai nhau) đối với các lô đất gần Dự án chủ yếu do những người môi giới đất đai thực hiện. Nội dung rao bán cũng khá mập mờ theo kiểu: “Cư Suê sốt xình xịch với hai dự án đô thị thương mại lớn của: Tập đoàn VN Đà Thành, Khu dân cư Hà Huy Tập”, “VN Đà Thành đã khởi công, đường tránh 14-26 đã thông ra Tỉnh lộ 8, kết nối Cư Suê - Quốc lộ 14 và Quốc lộ 26, Ko Tam, Ea Tu. Cư Suê sẽ lên tầm cao mới!”… nhằm lôi kéo những người thiếu thông tin trong lĩnh vực đất đai tham gia giao dịch, mua bán bất động sản.

Thật ra, tình trạng này thường xuyên xảy ra mỗi khi khu vực nào đó có các dự án quy mô lớn sắp được triển khai. Mục đích tung tin của những người môi giới đất đai là nhằm lôi kéo nhiều người tham gia vào thị trường, tạo “cơn sốt” đất ảo nhằm hưởng lợi từ việc mua bán theo kiểu đầu cơ, “lướt sóng”. Chính vì thế, trước khi tham gia giao dịch đất đai ở một khu vực nào đó, người dân cần hết sức tỉnh táo, kiểm chứng thông tin cụ thể từ cơ quan chức năng và các chủ dự án có liên quan để tránh bị mắc lừa.

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.