Nông dân Cư Drăm chuyển đổi cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu
Xã Cư Drăm được biết đến là địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở huyện Krông Bông. Điển hình là hàng chục hộ dân ở thôn 2 đã mạnh dạn chuyển đổi hàng trăm héc-ta cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ quê hương Hà Nam vào định cư tại thôn 2, xã Cư Drăm từ năm 1986, đến nay vợ chồng anh Trần Văn Hùng và chị Trần Thị Nhung đã có hơn 6 ha đất trồng trọt. Khi đất còn màu mỡ, anh Hùng trồng các loại đậu như: đậu xanh, đậu nành, đậu cove lùn… cho thu nhập cao.
Những năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường do biến đổi khí hậu, việc canh tác các loại đậu đỗ không còn cho năng suất cao, anh Hùng đã trồng xen và dần chuyển đổi sang trồng hơn 3 ha cà phê. Nhờ chăm sóc cẩn thận, đúng quy trình kỹ thuật nên cà phê phát triển tốt, năng suất cao, giá cả ổn định. Khi năng suất cà phê thấp do thời tiết thường xảy ra mưa khi cà phê trổ hoa, giá cả có chiều hướng giảm, anh Hùng lại quyết định phá bỏ hơn 1 ha cà phê để trồng 1.200 trụ hồ tiêu.
Vườn hồ tiêu phát triển tốt, quả nhiều, khi giá đạt từ 150 nghìn đến hơn 200 nghìn đồng/kg, gia đình anh Hùng thu về từ 500 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Vườn hồ tiêu đang phát triển tốt thì bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Anh Hùng lại phá bỏ tiêu, đầu tư trồng gần 300 cây sầu riêng ghép và một số loại cây ăn quả khác. Ngoài giữ lại 2 ha cà phê, gia đình anh Hùng còn trồng hơn 4 ha dứa đồi. Đến nay các loại cây ăn quả đã bắt đầu cho thu hoạch, ước tính mỗi năm thu về trên dưới 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Anh Trần Văn Hòa trồng hơn 300 cây mắc ca, trồng xen hàng trăm cây dổi lấy hạt và dứa đồi. |
Gia đình anh Trần Văn Hòa và chị Trần Thị Nghiệp cũng là một trong những hộ nhanh nhạy, mạnh dạn trong chuyển đổi cây trồng, đem lại lợi nhuận kinh tế cao ở xã Cư Drăm.
Gia đình anh Hòa có hơn 3 ha đất canh tác, trước đây phần lớn diện tích đất trồng các loại đậu và cây ngắn ngày. Sau đó anh chuyển đổi hơn 1 ha sang trồng hơn 1.000 trụ hồ tiêu. Chất đất phù hợp, thời tiết thuận lợi, chăm bón đúng kỹ thuật nên sản lượng vườn tiêu của gia đình anh Hòa luôn đạt cao, có năm anh thu hơn 6 tấn hồ tiêu khô.
Thu được hơn 4 năm thì vườn hồ tiêu có hiện tượng nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Biết loại bệnh này khó chữa, hơn nữa lúc đó giá hồ tiêu xuống thấp nên gia đình anh Hòa quyết định chuyển đổi cây trồng khác.
Anh dành thời gian đi tham quan mô hình trồng cây mắc ca ở huyện Krông Năng rồi phá bỏ diện tích tiêu bị bệnh để trồng xen hơn 300 cây mắc ca, cùng hơn 100 cây dổi lấy hạt, sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác. Anh cũng xử lý đất trồng xen hàng chục nghìn mắt dứa đồi. Anh đầu tư gần 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước.
Đến nay vườn mắc ca hơn 300 cây đã cho thu hoạch vụ thứ hai, sản lượng hơn 600 kg. Ngoài ra, gia đình anh Hòa còn tận dụng diện tích đất ranh ven đồi trồng xen hàng nghìn mét vuông cỏ nuôi bò nhốt chuồng; nuôi 10 con heo nái và hơn 100 heo thịt, thu nhập gần 500 triệu đồng mỗi năm.
Vườn vải thiều của gia đình ông Trần Thế Thành ở thôn 2 xã Cư Drăm đã cho thu bói năm đầu. |
Ở xã Cư Drăm còn có gia đình ông Trần Thế Thành nổi tiếng với khu vườn đa cây như: 120 cây vải, 30 cây sầu riêng, 30 cây nhãn, 270 cây cau và hàng chục cây ổi, dừa, na, mãng cầu, dứa đồi… Trước đây khu vườn gần 2 ha được ông Thành trồng cà phê cho thu nhập ổn định. Sau đó, khi cà phê không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông phá bỏ để thay thế hơn 1.000 trụ hồ tiêu. Thu được 3 năm thì hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt, ông Thành đã cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động và đầu tư trồng các loại cây ăn quả, hiện nay phần lớn đã cho thu hoạch. Gia đình ông Thành còn tận dụng diện tích đất gần suối, đất ven đồi trồng hơn 3.000 m2 cỏ để nuôi 10 con bò 3B, bò lai siêu thịt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc