Multimedia Đọc Báo in

Vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 11: Thêm động lực cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách

08:02, 24/05/2022

Ngay sau khi được Trung ương giao chỉ tiêu vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 11), Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk (NHCSXH) đã khẩn trương đưa vốn đến đối tượng thụ hưởng với mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Tỉnh Đắk Lắk được Trung ương phân bổ hơn 71 tỷ đồng để triển khai 3 trong số 5 chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 11. Trong đó cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP và Nghị định 74/2019/NĐ-CP là 50 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP là 20 tỷ đồng và cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến theo Quyết định 9/2022/QĐ-TTg là 1,1 tỷ đồng.

Để triển khai hiệu quả các chương trình này, NHCSXH đã chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để đôn đốc triển khai thực hiện; niêm yết công khai chính sách tại điểm giao dịch xã để tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ và sớm giải ngân vốn vay đến khách hàng.

Hoạt động giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Đắk Lắk.

Một trong những trường hợp mới được giải ngân trong đợt này là chị Nông Thị Phượng (xã Ea Tam, huyện Krông Năng). Do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thu nhập bấp bênh, năm 2021 gia đình chị không làm công nhân ở Bình Dương nữa mà quyết định về quê sinh sống. Sau khi được giới thiệu về chính sách cho vay theo Nghị quyết số 11, chị đã làm hồ sơ và được giải ngân 50 triệu đồng để chăn nuôi bò. Chị Phượng chia sẻ, nguồn vốn chính sách là nguồn lực lớn giúp chị ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế sau khi hồi hương.

Theo ông Mai Văn Trâm, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Năng, toàn huyện được giao hơn 4,2 tỷ đồng vốn theo Nghị quyết 11. Sau khi được phân bổ vốn, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát, thẩm định đối tượng đủ điều kiện vay vốn, hỗ trợ giải quyết hồ sơ nhanh gọn. Đối với các hộ có nhu cầu vay sớm mà chưa tới phiên giao dịch tại xã, đơn vị đã giải ngân tại trụ sở để kịp thời đưa nguồn vốn đến người thụ hưởng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã giải ngân gần 1 tỷ đồng cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP và Nghị định 74/2019/NĐ-CP và 50 triệu đồng cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến.

Tương tự, huyện Cư M’gar được giao hơn 4 tỷ đồng để triển khai hỗ trợ cho vay đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến và vay vốn hỗ trợ việc làm. Phòng giao dịch NHCSXH huyện đang nỗ lực triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 11. Toàn huyện hiện đã giải ngân được hơn 1,6 tỷ đồng nguồn vốn hai chương trình này.

Chị Nông Thị Phượng (xã Ea Tam, huyện Krông Năng) sử dụng vốn vay theo Nghị quyết 11 để đầu tư chăn nuôi bò.

Theo NHCSXH, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 33 tỷ đồng cho vay theo Nghị quyết 11 của Chính phủ theo ba chương trình, đó là cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định 61 và Nghị định 74 của Chính phủ (31,9 tỷ đồng); cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ (860 triệu đồng) và cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến theo Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ (320 triệu đồng). Sau khi giải ngân, NHCSXH sẽ phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát và tư vấn, hướng dẫn để các đối tượng vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, góp phần giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Mới đây, Đắk Lắk đã được Trung ương giao 259,2 tỷ đồng chỉ tiêu kế hoạch tín dụng các chương trình cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 11. Cụ thể, nguồn vốn này để thực hiện cho vay hai chương trình: cho vay chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 từ 2021 – 2025 theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ: 254,4 tỷ đồng; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: 4,8 tỷ đồng. Sau khi nguồn vốn này được phân bổ về, NHCSXH sẽ khẩn trương thực hiện cho vay đến khách hàng.

 

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.