Multimedia Đọc Báo in

“Bắt tay” cùng sản xuất và tiêu thụ nông sản

10:14, 29/06/2022

Mối liên kết, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa người nông dân - doanh nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk nói chung không phải là vấn đề mới mẻ, nhưng với huyện Krông Pắc thì sự tương hỗ này đã trở nên khăng khít, bền chặt hơn nhờ đôi bên đã tạo lập được niềm tin, uy tín với nhau dựa trên quan hệ xã hội, hay còn gọi là nguồn vốn xã hội nhằm phát triển sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản một cách tích cực.

Có thể nói, khoảng vài năm trở lại đây nông sản của hầu hết hộ dân trên địa bàn huyện Krông Pắc không còn phải lo đầu ra, bởi khâu tiêu thụ được các đại lý, thương lái trong và ngoài tỉnh bao trọn - từ giá cả, thông tin thị trường đến thời gian thu hoạch và vận chuyển hàng hóa… Tất cả những cung đoạn này được hai bên cam kết, vận hành hết sức linh hoạt và hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng tham quan các gian hàng tại Hội chợ Thương mại nông nghiệp Krông Pắc năm 2020. Ảnh: Thanh Hường
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng (thứ ba từ trái sang) tham quan các gian hàng tại Hội chợ thương mại nông nghiệp Krông Pắc năm 2020. Ảnh: Thanh Hường

Anh Phạm Văn Sinh (thôn Phước Hòa, xã Ea Yông) cho hay: Ví như sầu riêng chẳng hạn, các đại lý và thương lái vào tận vườn đặt mua. Ngay từ đầu tháng 5 – 6, khi sầu riêng đã đậu quả ổn định, không còn tình trạng rơi rụng, sâu bệnh thì họ đến khảo sát và đặt tiền cọc cho các nông hộ với giá tham khảo từ thị trường. Để bảo vệ vườn cây và chăm sóc trái đúng quy trình kỹ thuật, nhà vườn luôn cắt cử người cùng đối tác chăm nom, thu hoạch khi sầu riêng đã chín. Đối với mặt hàng cà phê, bơ, tiêu và nhiều loại nông sản khác cũng vậy, đều được thu mua thông qua các đại lý có uy tín đứng chân trên địa bàn như Đức Vui, Thúy Khánh… Hầu hết những nông hộ ở đây cho biết mạng lưới quan trọng nhất trong khâu tiêu thụ phải kể đến chính là các đại lý. Thông thường đại lý là người chủ động tiếp cận với hộ nông dân khi đến mùa thu hoạch, sau đó, khi đã quen biết và tạo dựng uy tín giữa đôi bên thì chỉ liên hệ qua điện thoại là giải quyết được khâu tiêu thụ, chứ không phải mang đến tận nơi bán (hoặc ký gửi) như trước, anh Sinh chia sẻ thêm.

Thực tế trên cho thấy các đại lý thu mua nông sản ở huyện Krông Pắc là thị trường chủ yếu của hầu hết nông hộ ở đây. Với hệ thống đại lý thu mua nông sản hơn 60 đơn vị/doanh nghiệp được mở ra đã tạo điều kiện, cơ hội cho người sản xuất nông nghiệp trên địa bàn lựa chọn đầu ra theo hướng có lợi và thỏa đáng nhất. Đặc biệt là những đại lý có hoạt động hỗ trợ cho các nông hộ - từ vốn, cây/con giống, kỹ thuật và vật tư sản xuất thì luôn là lựa chọn số một của người dân trong khâu tiêu thụ hàng hóa của mình. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc đánh giá: Mối hợp tác, chia sẻ ấy đã góp phần thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình ở đây trở nên vững chắc, hiệu quả hơn. Krông Pắc được đánh giá là một trong những huyện có mô hình kinh tế hộ gia đình phát triển của tỉnh nhờ mối hợp tác và liên kết trên, góp phần đáng kể vào mục tiêu nâng cao mức tăng trưởng kinh tế hằng năm cho địa phương.

    Phương Đình


Ý kiến bạn đọc