Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Ba điểm tiên phong ở khu đô thị mới

07:51, 26/06/2022

Trong tầm nhìn quy hoạch TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2045, vai trò các khu đô thị mới được gắn với những ý nghĩa tiên phong thay đổi tư duy xã hội và các cơ hội nâng cao đời sống người dân. Cụm đô thị phía Bắc đường vành đai phía Tây thành phố được ấn định là điểm hiện thực hóa của quy hoạch này.

Tính đến nay, cụm đô thị đã được chính quyền địa phương triển khai, với ít nhất bốn dự án, xác định lộ trình đầu tư, ở ngay cửa ngõ phía Bắc đi vào TP. Buôn Ma Thuột. Những cái tên Eco City, đô thị Ân Phú đang trở thành quen thuộc với người dân địa phương, đánh dấu một bước thăng trưởng các giá trị đô thị trong mắt cộng đồng xã hội.

Ba điểm nhấn mới

Theo sở Xây dựng Đắk Lắk, ấn tượng đầu tiên, và thiết thực nhất với người dân Buôn Ma Thuột khi nói đến các đô thị mới là câu chuyện biểu tượng văn hóa. Có thể nói, khác các dự án đô thị địa phương, cũng như ở nhiều tỉnh thành khác, sự hiện diện của các khu đô thị mới, là biểu tượng văn hóa được dựng lên. Tại dự án Eco City, hình ảnh chú voi Tây Nguyên thân thiện đã trở thành điểm check-in của nhiều du khách khi đi vào thành phố. Tại khu đô thị Ân Phú, biểu tượng Ngọn lửa Cao nguyên đã thu hút nhiều người bởi hình dáng đôi tay quyện hòa, màu trắng tinh khôi nổi bật trên công viên xanh mát. Đây quả là điểm nhấn riêng không phải dự án đô thị nào cũng có được, chưa nói đến thực trạng nhiều đô thị đây đó còn “cắt bớt” hạng mục liên quan văn hóa xã hội.

Thứ hai, các khu đô thị mới Buôn Ma Thuột đánh dấu thị trường với giá trị định vị chắc chắn: Đã đủ pháp lý. Đây là điều khác biệt trong tình hình thị trường nhà đất lâu nay rối loạn, biến thiên phức tạp. Rất nhiều dự án quy mô vẫn diễn ra nạn góp vốn mua nhà đất hình thành ở tương lai mà không có cơ sở pháp lý nào đi kèm, đến mức nhiều hợp đồng mua bán sau vài năm trở thành hồ sơ kiện tụng, vì chủ đầu tư không thực hiện được cam kết chủ quyền pháp lý cho người mua. Khu đô thị Ân Phú Buôn Ma Thuột là thay đổi đầu tiên của vấn đề này với thông tin “đã có sổ đỏ” trước khi thực hiện giao dịch thương mại. Sau dự án này, các đô thị tiếp nối đều khẳng định “căn cơ vững chắc” là hoàn thiện đủ các thủ tục hành chính, nghĩa vụ nhà nước để bảo đảm pháp lý trong giao dịch đất đai.

Biểu tượng Ngọn lửa Cao nguyên là điểm nhấn văn hóa ở khu đô thị Ân Phú.

Cuối cùng, với tinh thần hợp tác phát triển, hoạch định các đô thị mới Buôn Ma Thuột luôn gắn chặt yêu cầu xây dựng những giá trị đầu tư thương mại mới cho thành phố, tầm nhìn điểm hội tụ trục kinh tế vững vàng của cả Tây Nguyên. Tại dự án Eco City, diện mạo đô thị mới với những block shophouse cao tầng, bề thế từ 2 năm qua đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư thương mại quan tâm. Dự án khu đô thị Ân Phú cũng đang nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng thương mại với dãy nhà phố liên kế đầu tiên nằm sát trục đường Hà Huy Tập, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 10/2022. Các dự án Làng Châu Âu, VN Đà thành nằm trong khu vực cũng có thông tin về các thiết kế chi tiết mặt sàn thương mại, tổ hợp kinh doanh, siêu thị… đi kèm. Theo đó, một thực cảnh cơ hội thương mại đang định hình chắc chắn với cụm đô thị mới phía Bắc Buôn Ma Thuột.

Nâng tầm văn hóa thương mại

Ông Phan Tá Sinh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị Ân Phú lý giải, mục tiêu tham gia đấu thầu, đầu tư khu đô thị Ân Phú của đơn vị là hợp lực cùng địa phương tạo điểm nhấn an cư bền vững cho người dân, tổ chức tăng diện tích sàn đô thị cho TP. Buôn Ma Thuột và đặc biệt là góp phần tạo sinh kế thương mại mạnh mẽ cho vùng đất này. Giá trị đầu tư thương mại ở dự án, vì thế vừa khai thác hiệu quả hạ tầng thương mại hiện đại, vừa hỗ trợ cư dân xây dựng những mối liên kết phát triển làm ăn, kinh doanh thương mại từ khu đô thị ra bên ngoài và lan tỏa.

 

Các khu đô thị mới phía Bắc đang là điểm nhấn tiên phong cho tầm vóc quy hoạch đô thị của TP. Buôn Ma Thuột đầy khát vọng và hy vọng.

Người dân Buôn Ma Thuột thực tế đã không xa lạ với câu chuyện đầu tư thương mại tại vùng đất này. Những lợi thế nông thổ sản, lâm sản đặc thù từ lâu đã định dạng tại địa phương, đã trở thành giá trị xuất khẩu hàng đầu cả nước, đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng cơ hội khẳng định các giá trị thương mại ấy, vẫn bị bó hẹp bởi tầm vóc các trang trại, buôn, thôn manh mún, rời rạc khó kết nối làm ăn. Con số thương hiệu hàng hóa ở Buôn Ma Thuột, tuy nhiều nhưng không đảm bảo tầm vóc để vươn mạnh đi khắp nơi. Nhất là, những cơ sở thương mại với hạ tầng vững chắc, thông tin pháp lý rõ ràng, được đầu tư bài bản, hiện đại, văn minh với kết nối công nghệ số hay hoàn thiện các hệ thống logistics vẫn chưa được xác lập chắc chắn tại địa phương.

Do đó, sự hiện diện các khu đô thị mới, với những kết cấu hạ tầng thương mại, như nhà phố liên kế, siêu thị, trung tâm giao dịch… sẽ có mặt bên trong, là một khẳng định rất lớn của TP. Buôn Ma Thuột, với tầm nhìn và chiến lược quy hoạch trở thành thủ phủ Tây Nguyên, điểm hẹn đầu tư hàng hóa thương mại toàn vùng và quốc tế hóa. Có được những định dạng hạ tầng này, Buôn Ma Thuột chắc chắn trở thành điểm đến hấp dẫn cho những dự án hợp tác đầu tư, kết nối xuất nhập khẩu ra khu vực và thế giới.

Đặc biệt, khi các khu đô thị mới của Buôn Ma Thuột được quy hoạch và triển khai đúng tầm nhìn chiến lược, với những điểm nhấn phát triển bền vững, gắn kết văn hóa cơ sở và cơ hội thương mại, khả năng tạo sức bật và thu hút đầu tư vào địa phương sẽ rất lớn. Các điểm nhấn đô thị này, kết nối với hạ tầng giao thông hoàn thiện của Đắk Lắk và Tây Nguyên, sẽ phát huy tối đa cơ hội thương mại kinh doanh cho địa phương.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.