TP. Buôn Ma Thuột: Cơ hội nào cho nhà ở thương mại?
Phát triển đô thị mới, dĩ nhiên phải tính đến nhu cầu nhà ở cho thị dân, tức phải ưu tiên những cơ hội mặt bằng kinh doanh thương mại gắn liền điều kiện sinh hoạt ổn định của người dân.
Đây là lý do các khu, cụm đô thị mới đang hình thành ở TP. Buôn Ma Thuột luôn dành sự quan tâm đầu tư cho mặt bằng nhà ở thương mại. Song có phải mặt bằng nào đặt ra cũng có cơ hội được quan tâm tiêu thụ?
Đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, những năm qua TP. Buôn Ma Thuột đã hết sức quan tâm đến vấn đề phát triển thêm diện tích sàn đô thị, mở rộng không gian thành phố, đáp ứng những kịch bản phát triển ở tương lai. Trong đó, cụm đô thị phía bắc đường vành đai phía tây đang là “điểm nóng” thu hút nhiều nhà đầu tư hạ tầng quan tâm, với nhiều dự án đã và đang đi vào triển khai xây dựng. Yếu tố mặt bằng thương mại cho những khu đô thị này, vì vậy cũng được đặt ra rất cụ thể.
Những con phố thương mại…
Viễn cảnh được dựng lên trong các video clip quảng bá các khu, cụm đô thị mới luôn là bức tranh về những khu phố thương mại sầm uất, người xe nườm nượp, ánh sáng huy hoàng, những cửa hàng, cửa hiệu chen chân, hàng hóa sang trọng đầy ắp. Câu từ PR, quảng cáo cho các dự án phát triển thương mại cũng đầy rẫy những ngôn từ bóng bẩy, rộn ràng, thu hút người quan tâm đến những “cơ hội vàng” khi sở hữu những mặt bằng kinh doanh thời thượng và đắc địa.
Tuy nhiên, với hiện trạng phát triển sản xuất, kinh doanh đã bao năm qua ở TP. Buôn Ma Thuột, ai cũng dễ hình dung đô thị này đang cân đối giữa năng lực sản xuất hàng hóa nông nghiệp, nông sản, hàng tiêu dùng được xuất khẩu, bán ra thị trường tự do, với những thách thức đầu vào nguyên vật liệu, biến đổi nhân lực, cải thiện công nghệ, và nhất là định vị thương hiệu bền vững. Cụm từ "đặc sản Tây Nguyên" với những ưu việt hàng hóa cà phê, điều, sầu riêng… bị pha trộn rất nhiều nơi, đang là áp lực cho chính những nhà sản xuất, kinh doanh địa phương. Do đó, thiết kế cho được những mặt bằng thương mại dịch vụ tại địa phương sao cho nâng tầm giá trị các thương hiệu, cạnh tranh thực tế ra bên ngoài, mở rộng kết nối đi khắp nơi, là câu chuyện cam go mà thương mại Đắk Lắk phải tính.
Bố trí không gian đô thị là điều kiện quan trọng định vị các mặt bằng nhà ở thương mại. |
Những con phố thương mại, dự kiến và đang thành hình ở Buôn Ma Thuột qua những bức tranh, hình hài đô thị mới, như vậy cần đặt lại đúng bài toán đầu tư. Sẽ không có một cơ hội tốt nào cho các dự án kinh doanh nặng tính phiêu lưu, hoa mỹ, ở một vùng đất yêu cầu tính thực tế, thực dụng đầu tư rất cao như Buôn Ma Thuột. Các doanh nghiệp làm ăn tại đây cần đến những mặt bằng kho bãi vận tải thông suốt, mặt bằng giới thiệu hàng hóa rõ ràng, chân thật, những giải pháp kết nối, gây dựng thương hiệu, phát triển thêm các nhãn hàng hiệu quả. Thay vì những địa chỉ thôn, xóm, trang trại xa xôi, phát âm bản ngữ khó hiểu, một địa chỉ khu đô thị, cụm nhà ở thương mại sẽ minh chứng hoàn hảo hơn cho các hoạch định giao dịch hàng hóa doanh nghiệp. Đây, có thể là một lý do căn bản nhất, để giúp các mặt bằng thương mại, shophouse đang xây dựng có được sự quan tâm từ cộng đồng giới kinh thương Tây Nguyên.
Và cơ hội cho bài toán đầu tư?
Các đơn vị môi giới nhà đất thương mại đã chỉ rõ, có ba điều kiện quan trọng để định vị cơ hội cho những mặt bằng nhà phố thương mại hiệu quả.
Thứ nhất là vị trí liên thông. Điều này gắn liền với quy hoạch các khu đô thị, cụm nhà ở thương mại tại những khu vực phát triển của địa phương, đầu mối vị trí giao thông thuận lợi, “trên bến dưới thuyền” một cách rất truyền thống. Cơ hội vị trí này còn được củng cố, với những đô thị ở vị trí huyết mạch, tọa lạc tại các điểm trung tâm hành chính, vùng dân cư, vùng đầu tư phát triển giáo dục, y tế, kho bãi thương mại và bảo quản chế biến.
Thứ hai là bố trí tương hợp. Những mặt bằng kinh doanh thương mại tất yếu đi kèm các không gian phối trí quảng cáo, bố trí phòng ốc sử dụng thông minh và tiện ích, đầy đủ các điều kiện viễn thông thông tin, văn phòng số hóa…; đồng thời liên cư liên địa, gần các dịch vụ hỗ trợ khác về chuyên chở, đặt hàng, cung ứng thực phẩm… Tính sở hữu pháp lý cho các mặt bằng thương mại cũng rất cao, trong xây dựng, quy hoạch phải rõ ràng quyền sử dụng, diện tích sử dụng, chất lượng công trình đầu tư… Một văn phòng làm việc kết hợp shophouse được thiết kế, bố trí chi tiết tinh tế và tiện lợi, sẽ thu hút hơn rất nhiều.
"Hậu cần vững chắc" với các điều kiện sinh hoạt thuận lợi sẽ là ưu thế của nhà ở thương mại. |
Thứ ba là hậu cần đắc địa. Với một địa phương đặc thù tính bản địa, TP. Buôn Ma Thuột càng đòi hỏi những yêu cầu hậu cần này, như khu vực thương mại có kết nối gần kề những dịch vụ y tế, đào tạo…, không gian sinh hoạt xanh, sạch, an toàn bên ngoài. Đặc biệt, nếu các khu đô thị còn bố trí đầy đủ những hạng mục sinh hoạt cộng đồng, văn hóa xã hội xung quanh, những tiện ích công cộng như công viên, khu thể thao dân cư…, sẽ càng tăng giá trị cho mặt sàn nhà ở thương mại liền kề.
Sau ba điều kiện cơ bản này, các nhà môi giới mới đánh giá đến các tiêu chí giá cả sở hữu, điều kiện pháp lý, hành chính của nhà ở thương mại.
Rõ ràng, với những yêu cầu này, bức tranh nhà ở thương mại tại TP. Buôn Ma Thuột cần được các nhà đầu tư nhìn nhận thấu đáo hơn, thực sự quan tâm và đặt ra các yêu cầu cụ thể khi tiếp cận. Những không gian đô thị chật chội, những phối cảnh công trình quá hẹp, điều kiện hạ tầng cơ bản thiếu thốn, phải tự đầu tư thêm… sẽ là những "điểm trừ" cho các mặt bằng thương mại đô thị. Tất cả lại cần gắn kết với văn hóa bản địa, những giá trị truyền thống mà người dân không muốn thay đổi. Cân đối được những vấn đề này, cơ hội cho nhà ở thương mại tại Buôn Ma Thuột mới xác thực được.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc