Multimedia Đọc Báo in

Hòa nhập vào nhịp điệu “bình thường mới”

06:39, 03/07/2022

Hiện nay, đất nước đang chuyển sang giai đoạn phục hồi hậu COVID-19. Vì vậy, tất cả các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp (DN) cũng đang dần thay đổi để hòa nhập vào nhịp điệu “bình thường mới”.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam đã thực hiện tốt việc ngăn chặn đại dịch và mở cửa lại nền kinh tế. Ứng phó với đại dịch COVID-19 và hậu quả từ đại dịch sẽ là một trong những thách thức lớn nhất với các DN hiện nay. Đây chính là thời điểm DN cần đưa ra các giải pháp sáng tạo để đối phó với hệ lụy hậu COVID-19, trong đó quan trọng nhất là giải quyết vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng và đội ngũ lao động bị giảm sút.

Những ngày sau dịch, tình trạng thiếu hụt lao động được các DN đưa ra bàn luận khá nhiều. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk chia sẻ, khi chuyển sang trạng thái "bình thường mới" cũng là lúc DN phải nỗ lực hết mình để khôi phục lại tình hình kinh doanh. Tuy nhiên khó khăn nhất mà DN gặp phải là nguồn nhân lực để duy trì bộ máy hoạt động. Hậu COVID-19, nhiều lao động đã chuyển qua công việc khác trong khi nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn vốn đã “hiếm hoi”. Hơn nữa, việc đảm bảo an toàn lao động sau khi hoạt động trở lại cũng cần được duy trì một cách bền vững. Chính vì vậy, giải pháp huy động lực lượng chuyên trách để định hình, xây dựng, thực hiện và giám sát chiến lược trở lại nơi làm việc chính là điểm mấu chốt để hòa nhập vào nhịp điệu “bình thường mới”. Đội ngũ quản lý sẽ chịu trách nhiệm chính trong công cuộc điều hướng rủi ro cho DN. Chính các nhà lãnh đạo sẽ phải xác định thời điểm và phương pháp thích hợp để thực hiện nhiệm vụ đưa lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc sau khi dịch bệnh được kiềm chế.

Các doanh nghiệp du lịch hoạt động mạnh mẽ trở lại sau dịch. (Trong ảnh: Hành khách chuẩn bị tham gia tuor du lịch do Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk tổ chức.

Sự lây lan của COVID-19 cũng tạo ra hệ lụy là làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu khiến DN khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro. Rõ ràng, chuỗi cung ứng trên mọi quốc gia, kể cả Việt Nam, và trên mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Các DN trên địa bàn tỉnh cũng không nằm ngoài số này vì vào hậu COVID-19 không ít DN rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Câu hỏi quan trọng dành cho các DN lúc này là làm thế nào để họ có thể chuẩn bị tốt hơn cho chuỗi cung ứng trước những khủng hoảng trong tương lai. Bởi vì chuỗi cung ứng trong tương lai sẽ không chỉ xoay quanh hiệu suất và quản lý chi phí mà sẽ dựa trên mức độ an toàn và khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng đó. Từ kinh nghiệm của nhiều DN, khả năng ứng phó vững vàng trước khủng hoảng là yếu tố cần thiết để đảm bảo việc quản lý tình huống hiệu quả nhằm giảm thiểu tối đa các tác động liên quan.

Trước đó, nhiều DN đã có những kế hoạch cho đơn vị mình và chuỗi cung ứng nhưng sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm xuất hiện một số sai sót, thậm chí là “bể kế hoạch”.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Huỳnh Văn Dũng chia sẻ, để từng bước phục hồi sau đại dịch, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, các DN cần chủ động, sáng tạo để đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp với đơn vị mình. Với những diễn biến khó lường của tình hình dịch bệnh, việc xem xét các kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh và ứng phó khủng hoảng là điều quan trọng, đồng thời cần chuẩn bị và đưa vào thử nghiệm các "kịch bản' khác nhau. Để hòa nhập vào nhịp điệu “bình thường mới”, DN cần nhanh chóng định hình được những năng lực cần phải có để đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ ở những lĩnh vực mang lại lợi thế cạnh tranh này sẽ giúp DN vững tin và đủ lực để phát triển.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.