Multimedia Đọc Báo in

Đô thị dịch chuyển sang “bình thường mới”

06:33, 03/10/2021

Ngày 1-10-2021 được ghi nhận là mốc thời gian đặc biệt của một số đô thị “nóng” trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, khi các đô thị này đổi trạng thái từ giãn cách xã hội chặt chẽ về “bình thường mới”. Tại Đắk Lắk, dù thời gian qua dịch bệnh diễn biến khá phức tạp nhưng tất cả đã nhanh chóng được kiểm soát và khống chế, cho phép địa phương đặt vấn đề cần nhanh chóng quay về trạng thái "bình thường mới".

Chuyển từ “vùng” sang “điểm”, trách nhiệm cao hơn

Đánh giá từ các bộ, ngành Trung ương cho thấy, công tác phòng, chống dịch quốc gia đang chuyển động tích cực theo hướng cụ thể hóa từng vấn đề, đề cao trách nhiệm đội ngũ lãnh đạo và các lực lượng chuyên môn hơn, với mục tiêu kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh. Chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ thể hiện, phải tập trung lại khả năng phòng ngừa dịch bệnh ngay từ khi dịch bệnh phát sinh tại từng địa bàn, để giảm đi những tổn thất không đáng có nếu dịch bệnh bùng phát mạnh. Bài học kinh nghiệm với các địa phương là “không hoảng hốt khi có dịch, không lơ là khi bớt dịch”.

Tại TP. Hồ Chí Minh, sau nhiều tháng tổ chức kháng dịch với tần suất rộng, mạnh nhưng thiếu tiêu chí và kế hoạch cụ thể. Dịch bệnh đã nhanh chóng lây lan khó kiểm soát ở những khu vực thiếu y tế cơ sở và mật độ cư dân đông, ý thức chấp hành dịch tễ hạn chế và điều kiện thực tế cũng không cho phép. Chỉ đến khi lực lượng y tế bổ sung được tăng cường, vắc xin được tập trung hỗ trợ người dân yếu thế, cơ hội bảo vệ, và biện pháp khoanh vùng chặt chẽ từng cứ điểm một được đặt ra, tình hình mới bắt đầu lắng dịu. Đến nay, TP. Hồ Chí Minh cơ bản đã đi qua đỉnh dịch, từ ngày 1-10 có thể thực hiện giảm mức độ giãn cách trong hoạt động dân sinh.

Người dân khai báo y tế điện tử qua hệ thống camera nhận diện khuôn mặt tại Chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên Quốc lộ 14 (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Kim Hoàng

Rút kinh nghiệm đó, Hà Nội, Đà Nẵng đã “đi sau đến trước”, chỉ thời gian ngắn đã khống chế dịch bệnh với chủ trương khoanh vùng cụ thể, giám sát chặt chẽ và đặt tiêu chí an toàn theo từng cấp độ khu dân cư. Hà Nội nhanh chóng "phủ kín vắc xin", đưa hoạt động dân cư về trạng thái “bình thường mới”, không để xảy ra tình trạng lây lan thiếu kiểm soát trong khu vực dân cư có mật độ cao. Đà Nẵng cũng chủ động đẩy tiến độ tiêm vắc xin, giãn cách cư dân khỏi khu vực dịch bệnh có mật độ cao, và khoanh vùng chính xác từng điểm có dịch, giãn cách tự nhiên vùng an toàn. Cũng từ ngày 1-10, các đô thị sẽ thực hiện giảm cấp nguy cơ, xác định tổ chức “bình thường mới” toàn xã hội.

Địa phương được ghi nhận có bài học thiết thực nhất là TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Địa phương này đã chuyển trạng thái phòng ngừa từ khoanh vùng rộng sang xác định điểm dịch hẹp, từ dự kiến cách ly 24 phường sang chỉ còn 17 “điểm nóng” trong các cụm dân cư, nhờ đó lập tức kiểm soát tình hình mà không gây xáo trộn đời sống người dân. Theo lãnh đạo địa phương này, chuyển từ khoanh vùng sang xác định “điểm nóng”, đòi hỏi trách nhiệm của người quản lý nặng nề hơn, cụ thể hơn nhưng hiệu quả hơn.

Điều kiện mới trong tương tác dịch bệnh

TP. Buôn Ma Thuột thời gian qua cũng đã phát sinh hiện trạng dịch bệnh tương tự các đô thị lớn khác, với số lượng ca nhiễm tăng nhanh và độ lan tỏa rộng theo hoạt động cư dân trên địa bàn. Song thích ứng tình hình mới, việc chỉ đạo bám sát từng “điểm nóng” dịch bệnh của chính quyền tỉnh và các lực lượng chức năng đã giúp kiểm soát tốt tình hình mà không phải khoanh vùng, cách ly diện rộng như trước nữa.

TP. Buôn Ma Thuột đang dần thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Ảnh: Thế Hùng

Điểm mấu chốt trong đánh giá tình hình của địa phương là đã chuyển trạng thái sang “sống chung” cùng dịch bệnh thay vì nỗ lực tìm kiếm dập dịch, sẽ mở ra một trạng thái ứng xử mới. Đó là chính quyền không quá lo lắng, cư dân không quá hoang mang, kỳ thị khi phát hiện thêm các ca F0 trong cộng đồng, chỉ cần quanh khu vực ấy được kiểm soát thận trọng. Gia đình nào có ca bệnh, cách ly gia đình đó; tổ xóm nào là ổ dịch, cách ly tổ xóm đó, tránh mọi tiếp xúc lây lan thì sẽ giúp giảm thiểu tác động dịch bệnh đến sinh hoạt đời sống cư dân mà vẫn đảm bảo an toàn phòng chống.

Bởi cách đặt vấn đề thay đổi như thế, TP. Buôn Ma Thuột, TX. Buôn Hồ…, những đô thị trọng yếu của Đắk Lắk ngay sau khi dịch bệnh giảm cấp, đã lập tức khôi phục lại trạng thái “bình thường mới”. Dòng chảy kinh tế, sinh hoạt của đông đảo người dân địa phương vẫn được duy trì. Đây thực sự là định hướng phù hợp và tích cực để địa phương tiếp tục đảm bảo “mục tiêu kép” dù diễn biến dịch bệnh vẫn còn đáng cảnh báo; và nhất là an lòng dân.

Dĩ nhiên việc chuyển hướng trạng thái xã hội có khác, nhưng Đắk Lắk vẫn rất cần kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Điều này tương đồng các đô thị khác, khi các cấp chính quyền đều khẩn trương tổ chức kiểm soát chặt các hoạt động của người dân bằng các ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn và lực lượng chức năng có kỹ năng tốt hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đang hoàn thiện phần mềm định mã QR “PC-COVID”, tương tác với các phần mềm Sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế và VNEID của Bộ Công an, để sớm đưa vào hoạt động toàn quốc gia một mã chung nhất. Theo đó, các đô thị như Buôn Ma Thuột sẽ càng có thêm cơ hội để dịch chuyển “bình thường mới” an toàn và ổn định cho tâm lý người dân.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.