Multimedia Đọc Báo in

Khi "thuốc" đã "ngấm"

10:23, 10/07/2022

Nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung sau đại dịch COVID-19 giống như "một người vừa ốm dậy". Do đó, các gói hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết, như một "liều thuốc bổ", tạo động lực để kinh tế tăng trưởng trở lại.

Đầu năm 2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đây được xem là chính sách tài khóa với ngân sách lớn, quy mô tài chính khoảng 350.000 tỷ đồng. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP để triển khai chương trình. Những chính sách kịp thời này của Trung ương được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đón nhận với hy vọng rất lớn.

Đáng chú ý nhất trong gói hỗ trợ của Chính phủ là chính sách miễn giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất, giảm 2% thuế VAT, giảm lãi suất cho vay 2%/năm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh. Những giải pháp này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Với nhóm giải pháp về thuế, phí đã giảm bớt gánh nặng, giúp doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh 6 tháng cuối năm 2022 là đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm. Trọng ảnh: thi công một dự án thủy lợi tại TP. Buôn Ma Thuột
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh 6 tháng cuối năm 2022 là đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm. (Trong ảnh: Thi công một dự án thủy lợi tại TP. Buôn Ma Thuột).

Đối với Đắk Lắk, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã có Chương trình số 1987/CTr-UBND, ngày 15/3/2022 về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 - 2023. Theo đó, địa phương đã triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi sản xuất, kinh doanh, thích ứng an toàn, linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh; cải thiện môi trường kinh doanh, đổi mới quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết nhiều thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh từ đầu năm 2022 đến nay có nhiều khởi sắc. Những số liệu thống kê đã chứng minh điều này: tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn toàn tỉnh đạt gần 23.633 tỷ đồng (tăng 7,37% so với cùng kỳ năm trước), chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,75%, kim ngạch xuất khẩu tăng 61,72%.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 670 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 18,17% so với cùng kỳ; toàn tỉnh đón tiếp khoảng 540.500 lượt khách du lịch, tăng 38%. Hoạt động kinh tế phục hồi nên thị trường lao động của tỉnh từ đầu năm đến nay đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2021, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm tăng 9,91% (tương ứng 106.976 người), trong đó, khu vực thành thị tăng 7,65% (18.050 người), khu vực nông thôn tăng 10,54% (88.926 người).

Có thể thấy, khi những "liều thuốc tăng lực" là các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước đã ngấm thì hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động hơn, người lao động có việc làm, kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng. Đây là những tiền đề quan trọng để các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp nỗ lực hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Những tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 gắn với phục hồi, phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội và đưa sinh hoạt của người dân chuyển sang trạng thái bình thường mới. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.