Liên kết để phát triển chăn nuôi
Cùng chung ý tưởng phát triển nuôi dê theo quy mô lớn, nhiều thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đã liên kết nỗ lực nâng cao giá trị, mở rộng thị trường cho các sản phẩm từ thịt và sữa dê.
Khởi nghiệp của Anh Em Farm
Để xây dựng được trang trại nuôi dê với hơn 700 con như hiện nay, anh Nguyễn Minh Trung (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) đã phải mất gần 2 năm ròng học hỏi kinh nghiệm từ nhiều trang trại tại các tỉnh thành từ Bắc vào Nam và trải qua 2 lần thất bại.
Lần khởi nghiệp nuôi dê đầu tiên của anh Trung vào năm 2018 với 78 con dê Boer thuần chủng. Tuy nhiên, do không nắm vững kỹ thuật và am hiểu về đặc tính của giống này nên đàn dê sinh trưởng rất chậm, lại dễ nhiễm bệnh. Anh Trung cùng các anh em của mình chia nhau đi khắp nơi, xin làm việc không lương tại các trang trại để học hỏi kinh nghiệm. Phải trải qua một lần nhân đàn thất bại nữa, đến cuối năm 2020 anh mới cơ bản ổn định quy trình chăn nuôi, đặt tên trang trại là Anh Em Farm. Hiện tại, anh Trung vừa phát triển nhân đàn, vừa bán một phần dê thịt để tái đầu tư. Anh cũng trồng 2 ha cỏ voi, sử dụng thêm cây bắp sinh khối lên men và cám tổng hợp để cung cấp thức ăn cho dê.
Anh Nguyễn Minh Trung chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê vỗ béo trong chương trình Cà phê khởi nghiệp số 2. |
Anh Trung cho biết, điều quan trọng nhất của quy trình nuôi dê nhốt chuồng hoàn toàn là đảm bảo chế độ dinh dưỡng, cân đối giữa thành phần thức ăn tinh và thô, xanh. Ngoài ra, với giống dê Boer thuần chủng, mặc dù có ưu điểm trọng lượng nặng, lớn nhanh, có thể lên đến 100 kg/con nhưng lại có chu kỳ sinh sản kéo dài, khó chăm sóc hơn. Anh khắc phục nhược điểm này bằng cách ưu tiên phát triển dòng dê lai giữa giống Boer và Bách Thảo, phấn đấu đạt quy mô đàn 1.000 con trong năm nay.
Liên kết thực hiện mô hình hợp tác xã dê
Anh Bùi Duy Khánh (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) cũng đã xây dựng thành công trang trại dê thịt với quy mô hơn 600 con. Xuất phát từ nhu cầu tạo nguồn phân hữu cơ cho cây trồng, năm 2018, anh Khánh bắt đầu nuôi 10 con dê sinh sản chăn thả tự nhiên. Tuy nhiên, chỉ nửa năm sau, anh nhận thấy cần đổi hướng sang nuôi nhốt, vỗ béo thì hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Mô hình này sẽ tạo được sản phẩm dê thịt phù hợp với nhu cầu thị trường, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Nông dân tham quan trại dê Anh Em Farm. |
Với quy mô đàn hiện tại, mỗi tháng, anh Khánh xuất bán 150 dê thịt và dê giống, thu lãi khoảng 60 triệu đồng. Anh Khánh cho biết, khi đã nắm vững quy trình kỹ thuật, khó khăn lớn nhất đối với các hộ nuôi dê là tình trạng giá cả bấp bênh. Thời gian qua, có lúc giá dê hơi lên đến 145.000 đồng/kg nhưng cũng có khi lao dốc không phanh, chỉ còn 75.000 đồng/kg. Chính vì vậy, trăn trở lớn nhất của anh Khánh cũng như các anh em khởi nghiệp chăn nuôi dê là làm sao ổn định được giá cả đầu ra, phát triển các mặt hàng chế biến sâu để gia tăng giá trị.
Từ những trăn trở đó, Hợp tác xã (HTX) Dê Đắk Lắk ra đời, hiện có 7 thành viên, trong đó có 5 thành viên sở hữu trang trại nuôi dê quy mô lớn gồm: Mông Cổ Trại (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột), Sữa dê Ban Mê (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), Trại dê Chiến Thắng (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar), BuBu Farm (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin), hộ anh Lê Trung Hiếu (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn).
HTX đang phát triển thị trường cho nhiều sản phẩm tinh chế từ thịt và sữa dê như: thịt dê tươi đóng gói, chả dê, sữa chua sữa dê… HTX cũng đang hoàn chỉnh thủ tục để đưa các sản phẩm này vào kênh siêu thị, chuỗi nhà hàng hướng đến xây dựng thương hiệu riêng cho các mặt hàng thịt và sữa dê xuất phát từ tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra, HTX còn liên kết với nhiều thương lái, điều phối nguồn cung ứng trong nội bộ HTX và các nông dân liên kết để giảm tình trạng lệch cán cân cung cầu làm ảnh hưởng đến giá trị của mặt hàng dê thịt.
Theo anh Bùi Duy Khánh, thành viên đồng sáng lập HTX Dê Đắk Lắk, so với một số tỉnh thành khác, Đắk Lắk có rất nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi dê, song hầu hết mô hình đang ở quy mô nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng. Chính vì vậy, định hướng trước mắt của HTX là tạo môi trường để người chăn nuôi dê, đặc biệt là những nông dân trẻ có thể trao đổi kinh nghiệm, tham quan, học hỏi thực tế trang trại để có cái nhìn cận cảnh nhất, giảm bớt khó khăn trong giai đoạn khởi nghiệp. Bên cạnh đó, HTX sẽ tích cực làm vai trò cầu nối, kết nối người chăn nuôi với các chuyên gia, nhà khoa học, giúp người chăn nuôi hiểu biết và tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn, góp phần tạo ra nguồn cung ứng thịt và sữa dê chất lượng cao.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc