Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

08:42, 21/07/2022

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không chỉ làm tăng cơ hội thu hút đầu tư mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và của cả nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Đây được coi là động lực và là “chìa khóa” cho sự tăng trưởng của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững được xác định là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Do đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển DN. Trong đó tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật còn chồng chéo, không khả thi, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh, gây khó khăn, phiền hà cho DN; đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc kiến nghị các bộ, ngành bãi bỏ những quy định tạo ra chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường và chi phí tuân thủ pháp luật về xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, Sở Tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), đảm bảo không có các quy định mới chứa đựng những yêu cầu không cần thiết, bất hợp lý, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh của DN. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện những giải pháp nhằm tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu phát triển bền vững, đồng thời tăng cường triển khai thực hiện và ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Các hoạt động, chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của tỉnh được quan tâm triển khai thực hiện. UBND tỉnh đã lồng ghép các kế hoạch phát triển DN số vào kế hoạch chuyển đổi số chung của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đắk Lắk năm 2022.

Các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm tại Hội thảo phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”. 
 

Nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng số lượng DN mới thành lập; giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho DN và người dân; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; kịp thời hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19”.

 
 Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà, thời gian qua, các sở, ban, ngành cũng đã tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ và kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, thực hiện dự án.

Đặc biệt trong lĩnh vực “nóng” là đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, nắm bắt và kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý các vướng mắc có liên quan đến việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích, bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tín hiệu lạc quan

Với sự quyết tâm đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đã đạt những kết quả khá tích cực, không chỉ thể hiện ở sự tham gia của các sở, ban, ngành, địa phương mà còn thể hiện qua các chỉ số đạt được.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, số lượng DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trên địa bàn tỉnh tăng cao (số DN thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 18,17% và số DN tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng 30,74% so với cùng kỳ) đã cho thấy những tín hiệu tích cực của việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN của tỉnh trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, nhờ đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân và DN nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh trực tuyến trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, trong 6 tháng đầu năm, 100% hồ sơ thủ tục hành chính lĩnh vực đăng ký DN đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận và giải quyết trực tuyến ở mức độ 4.

Bên cạnh đó, số hồ sơ thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng đều được Sở Xây dựng giải quyết đảm bảo thời gian. Công ty Điện lực Đắk Lắk cũng đã triển khai đăng ký cấp điện trực tuyến trên cổng thông tin của đơn vị. Thời gian cấp điện trung áp thuộc các khâu trách nhiệm của ngành điện đã giảm từ 7 ngày xuống còn 5 ngày và thời gian trung bình ở các khâu thuộc trách nhiệm của ngành điện giảm còn 2,93 ngày/công trình (theo quy định là 7 ngày).

Tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, tỷ lệ số chứng từ nộp thuế điện tử, tỷ lệ số tiền nộp ngân sách nhà nước qua hình thức điện tử đều đạt chỉ tiêu được giao. Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 63,44% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ đạt trên 14,3%.

Kết quả công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2021 đạt 86,52 điểm, xếp vị thứ 36/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đứng thứ 2/5 so với các tỉnh Tây Nguyên, tăng 9 bậc so với năm 2020; về điểm số tăng 3,3 điểm so với năm 2020. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của tỉnh đạt 41,52 điểm, xếp vị thứ 41/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2020.

Công nhân thi công đường dây Dự án điện gió Ea Nam tại huyện Ea H'leo.

Các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ, của tỉnh như: hỗ trợ giảm lãi suất vay ngân hàng; chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí… đã và đang phát huy tác dụng.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.