Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực xây dựng thương hiệu "Gạo Ea Lê”

06:26, 01/07/2022

Với cây trồng chủ lực là lúa nước, xã Ea Lê (huyện Ea Súp) kỳ vọng sẽ phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm đặc sản địa phương tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, tạo sức bật cho cư dân phát triển kinh tế.

Xã Ea Lê có tổng diện tích gieo trồng lúa nước hơn 2.000 ha, sản lượng đạt trên 16.776 tấn/năm. Do có kênh mương nội đồng thuận lợi nên mỗi năm, cây lúa ở đây được sản xuất hai vụ, cho năng suất bình quân đạt từ 8 - 9 tấn/ha. Với điều kiện thổ nhưỡng, cùng kinh nghiệm và việc canh tác lúa được áp dụng khoa học, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, hạt gạo làm ra ở Ea Lê có những ưu điểm vượt trội so với những địa phương khác.

Lãnh đạo xã Ea Lê cùng Hợp tác xã Thành Công Ea Lê bàn cách thiết kế bao bì, nhãn mác cho sản phẩm gạo Ea Lê.

Ông Nguyễn Văn Hoa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Lê cho biết, hiện nay việc sản xuất lúa của nông dân không còn manh mún như trước. Với việc đưa giống lúa mới vào gieo trồng, cộng với kỹ thuật canh tác mới, giá trị kinh tế trên từng đơn vị diện tích trồng lúa đã tăng lên nhiều. Việc sản xuất lúa gạo ở địa phương đang ổn định theo quy mô sản xuất hàng hóa.

Phát huy lợi thế thổ nhưỡng phù hợp với sinh trưởng của cây lúa và nguồn nhân lực có sẵn ở địa phương, chính quyền xã Ea Lê đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng thương hiệu "Gạo Ea Lê", nâng tầm cho sản phẩm gạo làm ra tại địa phương. Theo đó, xã đã đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng trên địa bàn các thôn 1, 2, 16, lựa chọn các loại giống lúa sản xuất ra gạo thương phẩm có giá trị cao, phù hợp với với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Đến nay, hầu hết nông dân trên địa bàn đã thay đổi tư duy, mạnh dạn chuyển đổi giống mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Trên những cánh đồng sau “dồn thửa đổi ruộng”,  nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất cũng được cơ giới hóa, từ làm đất đến thu hoạch. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, nâng cao giá trị hạt gạo.

Hiện trên địa bàn xã Ea Lê có 11 cơ sở xay xát lúa, 3 đại lý phân phối gạo được phân bố tại khắp các thôn trong xã. Nhờ đó, sản phẩm gạo Ea Lê được tiêu thụ rộng khắp tại các tỉnh thành trong cả nước, trong đó, tập trung chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng...

Việc mở rộng liên kết trong sản xuất nông nghiệp cũng được chính quyền quan tâm nhằm góp phần ổn định đầu ra cho sản xuất. Ông Hoàng Ngọc Dương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thành Công Ea Lê cho hay, HTX chuyên sản xuất, xay xát và gia công lúa gạo, với 12 xã viên tham gia. Toàn HTX có 20 ha lúa, sản lượng đạt 280 tấn/năm. Tất cả sản lượng lúa của xã viên được HTX đứng ra làm đầu mối tiêu thụ. Cuối năm 2021, HTX đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền xay xát lúa hiện đại với kinh phí gần 900 triệu đồng. Nhờ đó, khi xay xát, độ hao hụt thấp, hạt gạo không bị gãy, luôn trắng ngà và có mùi thơm của lớp tấm gạo. Song song với nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, HTX cũng đang từng bước chú trọng đến thiết kế mẫu mã, bao bì, nhãn mác để sản phẩm gạo của địa phương được nhiều người biết đến.

Xây dựng thương hiệu gạo đạt tiêu chuẩn mang tên “Gạo Ea Lê” không chỉ mà mơ ước của nông dân mà toàn hệ thống chính trị địa phương. Hiện xã Ea Lê đã có kế hoạch xây dựng gạo là một trong 3 sản phẩm OCOP của xã, tiến tới xây dựng thương hiệu "Gạo Ea Lê". Đây sẽ là bước tạo đà để làm nên thương hiệu gạo cho địa phương.

Hệ thống máy móc, dây chuyền xay xát gạo tại HTX Thành Công Ea Lê (huyện Ea Súp).

Theo ông Nguyễn Văn Hoa, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững và xây dựng sản phẩm mang thương hiệu "Gạo Ea Lê", xã đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong sản xuất nông nghiệp để từng bước hình thành quy trình sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, làm ra sản phẩm chất lượng, an toàn. Địa phương cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, người dân đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, xay xát và chế biến gạo nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, chú trọng sản xuất an toàn để giúp nông dân nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.