Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ tự tin lập nghiệp

08:10, 06/07/2022

Mong muốn khẳng định bản thân và khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhiều hội viên phụ nữ trong tỉnh đã mạnh dạn xây dựng những mô hình kinh tế trên nhiều lĩnh vực, mang lại nguồn thu nhập ổn định, khẳng định vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Vững vàng sau thất bại

"Bén duyên" với cà phê gần 10 năm trước, khi đó vợ chồng bà Nguyễn Thị Thơ (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) chỉ đơn thuần thu mua cà phê thô của người dân trên địa bàn. Bà Thơ chia sẻ, thời điểm đó việc buôn bán cà phê thô của gia đình bà gặp nhiều rủi ro như giá cà phê bấp bênh, bị đối tác quỵt tiền hàng khiến việc làm ăn của gia đình bà rơi vào bế tắc. Không nản chí, bà Thơ dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ hơn về cà phê với hy vọng phát triển chế biến sâu cà phê.

Bà Nguyễn Thị Thơ và sản phẩm cà phê bột Thơ Dũng.

Năm 2013, bà Thơ tiến hành thu mua và chế biến sâu cà phê. Trước làn sóng phát triển của cà phê rang máy, gia đình bà Thơ vẫn “thủy chung” với cà phê rang củi. Tất cả công đoạn chế biến cà phê đều được bà làm thủ công từ rang xay đến đóng gói. Bà Thơ cho biết, ngoài mua cà phê thô, bà còn mua thêm củi cà phê để về tự rang. Việc rang củi giúp cà phê chín từ bên trong và có mùi tự nhiên, giữ được hương thơm nồng nàn hơn vì nhiệt độ luôn được duy trì bởi than hồng của củi cà phê. Sản phẩm cà phê bột của bà được nhiều người đón nhận, năm 2014 vợ chồng bà Thơ thành lập Công ty TNHH Thương mại cà phê Minh Dũng. Trung bình mỗi tháng công ty xuất đi hơn 1 tấn cà phê bột với giá 120.000 – 350.000 đồng/kg, bán khắp các tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh đó, công ty của vợ chồng bà còn tạo việc làm cho 10 nhân công làm việc rang, xay và đóng gói sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm cà phê bột mang thương hiệu Thơ Dũng của công ty là sản phẩm OCOP 3 sao, bảo đảm tuân thủ đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bà Thơ còn nghiên cứu cho ra hai dòng sản phẩm ngũ cốc Minh Dũng được chế biến từ các loại hạt (đậu nành, đậu xanh, mắc ca, sa chi…) có trên địa bàn. Hiện tại, sản phẩm ngũ cốc này đang trong quá trình xây dựng thương hiệu OCOP.

Lập nghiệp từ con ốc

Từ khi còn nhỏ, trong một lần về quê Bắc Giang, chị Đào Thị Thúy (hội viên Hội Phụ nữ thôn Hạ Điền, xã Xuân Phú, huyện Ea Kar) thấy người dân khấm khá nhờ phát triển kinh tế từ nuôi ốc nhồi, chị đã ước mơ mang con ốc vào huyện Ea Kar nuôi.

Chị Đào Thị Thúy với sản phẩm ốc nhồi ống lam.

Kỹ thuật nuôi ốc nhồi khá khó nên chị Thúy đã sắp xếp thời gian đi tham quan, học hỏi từ các trại nuôi ốc lớn tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương… Sau nhiều cố gắng, năm 2019, chị Thúy nuôi và nhân giống ốc nhồi thành công. Chị Thúy cho biết, sau 3 tháng chăm sóc, ốc sẽ đạt trọng lượng khoảng 20 con/kg và có thể mang bán. Chi phí nuôi ốc khá rẻ, hầu như không mất tiền mua thức ăn vì chỉ cần thả thêm bèo tấm, bèo cái vào ao và tận dụng rau, quả phụ phẩm nông nghiệp để cho ốc ăn. Chưa kể, con ốc nhồi nuôi trong ao có trọng lượng và chất lượng hơn hẳn con ốc khai thác trong tự nhiên nhờ có nguồn thức ăn dồi dào và được kiểm soát tốt môi trường nước. Hiện tại gia đình chị đang nuôi 20 vạn con ốc bố mẹ, cung cấp ốc giống cho người dân tại địa bàn và các vùng lân cận như huyện Buôn Đôn, Ea Súp… phát triển mô hình này.

Khi ốc đến thời kỳ thu hoạch, ban đầu chị liên kết với các quán nhậu, nhà hàng tiệc cưới trên địa bàn để bán. Tuy nhiên, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, việc tìm đầu ra trở nên khó khăn khiến chị hoang mang. Lúc này chị liên kết với các cơ sở thu mua tại Bắc Giang, Hà Nội để tiêu thụ ốc với số lượng lớn, ổn định. Từ đó, chị Thúy mạnh dạn thu mua ốc nhồi thương phẩm của người dân gặp khó khăn về đầu ra trên địa bàn. Đồng thời, chị còn xây dựng một cơ sở chế biến sản phẩm “ốc nhồi ống lam” bán với giá 80.000 đồng/sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho 8 nhân công với mức chi trả 160.000 đồng/ngày. Sản phẩm này ban đầu chị chỉ bán qua mạng xã hội Facebook, Zalo, tuy nhiên đã được nhiều bạn hàng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… ưa chuộng và đặt mua.

Tuy mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng các sản phẩm ốc nhồi của chị Thúy hiện đều trong tình trạng "cháy" hàng. Hiện nay, chị Thúy đang thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP nhằm chinh phục được nhiều khách hàng hơn nữa, đồng thời phát triển thương hiệu “Ốc em Thúy” của chị.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.