Multimedia Đọc Báo in

Tăng thu nhập từ nuôi dê nhốt chuồng

08:53, 14/07/2022

Những năm trước đây, gia đình anh Hoàng Viết Thái (ở thôn 4, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) chủ yếu canh tác tiêu và cà phê, thu nhập cũng khá ổn định. Tuy nhiên, anh Thái không bằng lòng với hiện tại mà luôn năng động tìm tòi những cây trồng, vật nuôi hiệu quả để tăng nguồn thu.

Qua nghiên cứu, anh nhận thấy việc nuôi dê có nhiều lợi ích, vừa tận dụng được cây cỏ trong vườn làm thức ăn, vừa bán dê thịt và có phân dê làm nguồn phân bón cho cây trồng.

Nghĩ là làm, năm 2019 anh đầu tư 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua dê giống về chăm sóc. Để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao, anh Thái tìm hiểu đặc điểm của loài dê và áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi đàn dê. Thức ăn cho dê chủ yếu là các loại lá như cỏ mọc tự nhiên, lá cây bông, lá cây keo, các loại cây ăn quả như: mít, chuối… và cho ăn thêm cám bắp, cám gạo, bã đậu nành, bã bia.

Quá trình nuôi, anh thiết kế hệ thống chuồng phù hợp, thuận tiện nuôi dưỡng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh như: làm sàn chuồng cao 2 m để giúp chuồng trại thông thoáng, dê không bị mắc bệnh, sử dụng chế phẩm sinh học để khử bớt mùi hôi trong chuồng và thường xuyên xử lý, dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ.

Anh Hoàng Viết Thái chăm sóc đàn dê.

Hiện tại, anh Thái có 2 chuồng dê với diện tích 120 m2 nuôi hơn 70 con dê Nam Phi; trong đó có 20 dê mẹ sinh sản. Bình quân trọng lượng dê thịt xuất bán đạt 30 – 35 kg, giá 110.000 đồng/kg dê đực và 100.000 đồng/kg dê cái; dê đực giống 10 triệu đồng/con, dê cái tơ chửa có giá 4 triệu đồng/con, dê cái rạ (sinh sản lứa thứ hai trở đi) 5 triệu đồng/con. Năm vừa qua, anh Thái đã xuất bán hơn 10 con dê giống cái và hơn 30 con dê thương phẩm. Không chỉ có nguồn thu từ chăn nuôi, anh còn tiết kiệm khoảng 15 triệu đồng chi phí phân bón, góp phần tăng năng suất, sản lượng vườn cà phê, tiêu.

                           Đoàn Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.