Multimedia Đọc Báo in

Tổ chức, quản lý chợ truyền thống hài hòa với đô thị hiện đại

08:55, 24/07/2022

Vụ hỏa hoạn mới đây tại chợ thị xã Buôn Hồ thiêu rụi 28 ki-ốt của người dân một lần nữa lại gióng lên tiếng chuông cảnh báo về an toàn ở chợ truyền thống. Một vấn đề đặt ra là, liệu ở những đô thị hiện đại, công nghệ lên ngôi, sự tồn tại các mô hình chợ  truyền thống còn phù hợp?

Thực ra, nếu nhìn vào cách thức tổ chức, quản lý chợ truyền thống ở các nước trong khu vực, và định dạng ở một số đô thị lớn, việc duy trì, vận hành các chợ truyền thống hài hòa với tốc độ phát triển đô thị hiện đại là khả thi.

Chợ điện tử lên ngôi?

Mới đây, với sự hợp tác từ các đơn vị cung ứng giải pháp công nghệ số, Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk đã chính thức khởi động mô hình “chợ điện tử”, hướng đến khả năng định vị những sàn giao dịch thương mại điện tử, đầu mối bán hàng trực tuyến cho các hộ nông dân, các trang trại và tổ chức kinh doanh khác.

Ý tưởng kết nối nông dân với hàng hóa nông sản, cùng thị trường kinh doanh qua mạng xã hội, qua Internet thật sự rất hấp dẫn. Người nông dân sẽ có cơ hội tiếp cận những công cụ, giải pháp bán hàng tân tiến, hiệu quả hơn, giúp giải quyết dứt điểm các đầu nguồn hàng hóa ra ngoài thông qua các chợ trực tuyến; đồng thời còn hướng đến các giải pháp tài chính gọn gàng, hiệu quả hơn như thanh toán qua ví điện tử, sử dụng mã QR trong giao dịch hàng hóa hằng ngày… Tất cả mở ra một trang mới cho sách lược thay đổi, chuyển đổi số ở nông dân và nông thôn tại Đắk Lắk.

Đại diện Sở Công thương Đắk Lắk chia sẻ, định hướng xây dựng mô hình chợ điện tử thật ra đã được ngành đề cập từ 3 năm trước, khi xu thế chuyển đổi số được thực thi. Sau 2 năm dịch bệnh COVID-19, với những rào cản tương tác qua buôn bán trực tiếp, vấn đề giao dịch điện tử, hình thành những sàn bán hàng trực tuyến, đấu nối các đầu mối thương mại tại các tỉnh thành lẫn ra quốc tế đã được cộng đồng đánh giá tích cực hơn. Nếu có thể phát huy hoạt động này, chợ điện tử sẽ giúp bộ mặt thương mại hàng hóa địa phương, nhất là nhận thức của người nông dân thay đổi tích cực, hiệu quả gấp nhiều lần.

Sắp xếp, tổ chức lại chợ truyền thống phù hợp với đô thị hiện đại là việc làm cần thiết.

Bên cạnh mô hình này, ngành công thương Đắk Lắk cũng không ngại đánh giá, rà soát lại việc tổ chức các mô hình chợ truyền thống lâu nay, với hai hướng sẽ nỗ lực vận động tăng lên, là chợ thương mại – siêu thị bán hàng và các chợ - cửa hàng tự chọn.

Những hiện tượng chợ Xanh, chợ Bách hóa Xanh… là biểu hiện tích cực của vấn đề này, song song với các trung tâm thương mại, siêu thị sẽ được địa phương vận động, thu hút đầu tư để triển khai. Những mô hình này rõ ràng ưu việt hơn chợ truyền thống, dẹp đi hình ảnh nhếch nhác vỉa hè, những bãi chợ ao tù nước đọng, những dãy sạp mất an toàn vệ sinh và nguy cơ cháy nổ cao…

Như thế, trong hoạch định của các nhà quản lý, Đắk Lắk cần tiến đến những mô hình chợ tiến bộ hơn, là chợ điện tử, siêu thị hàng hóa, cửa hàng tự chọn… mới có thể tương hợp được xu thế vận động thương mại trong bối cảnh mới.

Sắp xếp hài hòa hơn

Vụ hỏa hoạn ở chợ thị xã Buôn Hồ đang đánh tiếng cảnh báo cho số phận mỏng manh của trên 500 sạp hàng tiểu thương địa phương, nếu không sớm có sự chỉnh đốn hợp lý, sắp xếp tổ chức lại của các đơn vị quản lý chợ. Mở rộng ra, hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn Đắk Lắk, nhất là ở TP. Buôn Ma Thuột, đều có thể đối diện nguy cơ mất an toàn, cháy nổ.

Có điều, dù muốn hay không, sự tồn tại các chợ truyền thống trong bối cảnh xã hội hiện nay vẫn là tất yếu. Người dân Tây Nguyên vẫn quen với hình ảnh ôm gùi rau, rổ cá ra chợ ngồi. Những gánh hàng thực phẩm, rau xanh, rồi hàng hóa tiêu dùng vẫn ngất ngưởng vào ra ở các chợ. Văn hóa “dạo chợ” thậm chí đã đi sâu vào tâm trạng của nhiều người, nhất là phụ nữ đã có gia đình.

Cách thức đặt ra là với các chợ truyền thống, cần áp dụng mô hình hiện đại hơn về tổ chức và quản lý. Thực tế tại các chợ ở Tokyo (Nhật Bản) hay Seoul (Hàn Quốc), gần hơn là ở Malaysia, những hình ảnh ghi nhận được là cách bố trí, sắp xếp các sạp hàng, quầy hàng có diện tích rộng hơn, không gian thoáng hơn và kỷ luật trưng bày hàng hóa nghiêm ngặt hơn.

Khu vực miền Tây Nam bộ, từ 3 năm qua cũng đã xuất hiện một số chợ tổ chức thành “tiêu chí siêu thị”, với quầy sạp văn minh hơn, lối đi nội bộ rộng rãi và tiểu thương không được bày biện hàng hóa chật chội, chen lấn. Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long… là các địa phương định dạng những chợ truyền thống cách tân như vậy.

Điều ấy cho thấy rằng, quan điểm loại bỏ dần chợ truyền thống trong tổ chức sắp xếp chợ hiện nay là không phù hợp. Chợ truyền thống có thể sẽ tự triệt tiêu khi cộng đồng quen với những tâm lý tiêu dùng khác đi. Còn nếu cơ quan quản lý muốn dùng ý chí chủ quan, kể cả chủ quan có căn cứ, như an toàn cháy nổ, hay trật tự vệ sinh… cũng chưa thể tác động tốt được tình hình.

Sắp xếp, tổ chức lại các chợ truyền thống, hướng đến những không gian chợ có độ mở, thoáng đãng hơn, nhất là hình thành những chợ đầu mối trọng điểm, là giải pháp hợp lý cho bộ mặt văn minh thương mại tại Đắk Lắk. Cho đến nay, sự hình thành chợ đầu mối trung tâm tại Buôn Ma Thuột là một điển hình thay đổi đáng nhân rộng.

Việc vận động những chợ tự chọn, siêu thị thực phẩm liền kề các chợ truyền thống cũng là một cách định hình tốt cho tâm lý xã hội gần hơn với các giải pháp thanh toán thông minh, ứng dụng số…, qua đó thay đổi thói quen tiêu dùng, thói quen đi chợ của người dân. Phải có những thay đổi cơ bản như vậy, câu chuyện chợ truyền thống ngày một hài hòa với tầm vóc các đô thị hiện đại mới không là câu hỏi đáng suy nghĩ.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.