Lễ hội gắn cùng cơ hội đô thị
Chưa đầy một tuần nữa, thị trấn Phước An và huyện Krông Pắc sẽ bước vào Lễ hội Sầu riêng lần đầu tiên được tổ chức ở Đắk Lắk.
Ngoài ý nghĩa tôn vinh loại đặc sản mang lại nhiều lợi ích kinh tế của địa phương, đây còn là một trong những hoạt động xúc tiến đầu tư chiều sâu mà tỉnh Đắk Lắk hướng đến, xây dựng những hình ảnh đô thị lễ hội, điểm hẹn của những chương trình phát triển du lịch và kinh tế đột phá ở vùng cao nguyên.
Ý nghĩa quan trọng của hoạt động lễ hội này, theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, là tận dụng thế mạnh sản phẩm kinh tế có sẵn để tổ chức sự kiện quy tụ sự tham gia của đông đảo du khách cùng người dân, đánh dấu mốc cho dòng chảy du lịch tái khôi phục và sang trang mới.
Sở dĩ gọi là sang trang, vì lâu nay, du lịch Đắk Lắk thiếu đi những sản phẩm, điểm hẹn, dấn ấn quan trọng, níu giữ du khách quay lại. Chủ trương của ngành văn hóa du lịch là phải biến những năng lực thực chất của địa phương về cơ hội quảng bá sản phẩm, gắn liền thương hiệu doanh nghiệp, trở thành thế mạnh khai thác, hấp dẫn du khách gần xa. Phải có những sản phẩm đặc hữu, tương tác với sự kiện, với vấn đề hấp dẫn, lôi cuốn cộng đồng, cụ thể qua các lễ hội có chủ đề, mới kích thích được sự quan tâm của dư luận và du khách về câu chuyện du lịch Tây Nguyên.
Lãnh đạo huyện Krông Pắc khảo sát vườn sầu riêng mẫu tại xã Ea Yông huyện Krông Pắc. Ảnh: T. Hường |
Theo đó, sầu riêng là thế mạnh nông sản của Krông Pắc, nhiều năm qua luôn mang lại nguồn thu lớn cho địa phương. Tổ chức sự kiện với sản phẩm này ngay trong mùa thu hoạch chính, rõ ràng Đắk Lắk tạo được điểm nhấn hấp dẫn mới với cộng đồng, thu hút nhiều người quan tâm. Một khi lễ hội thành công, địa phương sẽ có hướng khai thác những sản vật ưu thế khác, như bơ, tiêu, điều, mắc ca…, không chỉ tại Krông Pắc mà lan tỏa nhiều huyện hơn. Kéo theo đó, rõ ràng là các điểm nhấn đô thị địa phương, từ các thị trấn, thị tứ cho đến TP. Buôn Ma Thuột sẽ rất dễ dàng biến thành điểm hẹn của du khách, từ đó dần định vị lại cơ hội của ngành du lịch.
Rõ ràng, với hoạt động đầu tư, tổ chức sự kiện, các nhà quản lý địa phương đang muốn thúc đẩy nhân rộng các lễ hội với sản phẩm đặc trưng, có màu sắc và ý nghĩa truyền thống, để trở thành động lực kích thích phát triển kinh tế, thu hút cơ hội đầu tư. Đắk Lắk là vùng đất riêng biệt với những giá trị văn hóa cao nguyên độc đáo, hình thức văn hóa truyền thống không như miền biển hay các đô thị đồng bằng khác. Đây cũng là địa phương có nhiều ưu thế về sản phẩm nông sản đặc thù, thật sự rất thuận tiện để xây dựng những chuỗi lễ hội hấp dẫn như lễ hội cà phê, ca cao, sầu riêng, bơ… Những lễ hội sẽ gắn liền với cơ hội cho phát triển du lịch, gắn liền với những đô thị, thị dân mới, đầy tiềm lực tương lai của vùng cao nguyên đất đỏ.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc