Multimedia Đọc Báo in

Nông dân bán ruộng rẫy: Những câu hỏi lớn song hành câu chuyện đô thị hóa

08:42, 21/08/2022

Đất canh tác, ai cũng hiểu là nguồn vốn sản xuất bền vững bao đời của người nông dân. Nhưng thực trạng hiện nay, nhiều người nông dân lại xẻ ruộng vườn để phân lô bán nền, tự đánh mất phương kế sinh nhai của mình. Vì họ muốn ly nông, hay không có lựa chọn nào khác để an định cuộc sống?

Theo chân những thương lái, chúng tôi đến gặp các hộ nông dân tại huyện Cư Kuin. Chúng tôi hỏi mua hồ tiêu, nhưng câu hỏi của những nông dân lại là: mấy anh muốn mua bao nhiêu sào? Trong đôi mắt của họ ánh lên vẻ mong đợi cái gật đầu, “chốt giá” của người mua, như lời chú dẫn của anh thương lái trẻ ở vùng này. Bản thân anh cũng không nhận mình là thương lái thu mua hồ tiêu thuần túy, mà là một người đang chuyển dần qua môi giới bán đất, bán ruộng rẫy.

“Bán ruộng rẫy xong bà con sẽ ra sao?”, chúng tôi hỏi. Một lão nông nhìn chúng tôi dò xét rồi từ tốn nói, bán bớt đi vài mét rẫy cà phê, hồ tiêu ở đây vẫn còn đất để làm mà, nhưng lại có tiền ngay mà lo cho con cháu có cái ăn, cái mặc. Ông cụ tính cắt nhượng lại 10 m rẫy cắt ngang ở phần đất canh tác gia đình, và dứt khoát chỉ bán thế thôi. Khi người mua thử đề xuất mua trọn diện tích với giá cao hơn, ông lắc đầu không bán gì nữa.

Những vườn hồ tiêu xơ xác, suy giảm chất lượng ở Cư Kuin.

Trong mắt người nông dân cao tuổi, đất chính là một phần máu thịt của họ. Cả gia đình, tộc họ đã ở đất này, canh tác và hưởng lợi từ đất. Họ cảm ơn đất đai về điều đó, viện dẫn nhiều thần linh đã giúp đỡ. Có điều, cuộc sống hiện tại đang đặt ra nhiều gánh nặng buộc người nông dân giải quyết, buộc họ phải đi đến lựa chọn một cơ hội giải quyết gọn hơn. Ấy là, nông dân chấp nhận bán đi những phần đất canh tác trong tay để có tài chính thu xếp mọi chi tiêu, tính toán để dành cho những phần việc phải làm khác.

Người thương lái dẫn đường tiết lộ, cứ từ từ, việc “xâm chiếm” đất của người nông dân không thể vội vàng. Họ luôn cố gắng duy trì khả năng giữ đất, nhưng rồi từ từ nhượng bộ vì những áp lực cuộc sống. Đã có những người bán hết rẫy, rồi bỏ vào buôn xa, tránh xa làn sóng đô thị hóa. Để rồi sức mạnh đô thị lan tỏa, họ lại cứ phải lùi dần, lùi dần…

Người nông dân bán ruộng rẫy, không phải họ tham lam kiếm nhiều tiền. Một thực tế đáng lo ở những vựa nông sản lớn ở Đắk Lắk, Tây Nguyên, chính là chất lượng canh tác giờ đây không song hành được với bài toán kinh tế thu nhập. Ở Cư Kuin, vùng đất hồ tiêu một thời, nay người nông dân đang loay hoay vì dấu hiệu suy thoái giống, và nhất là ô nhiễm về đất canh tác đã tăng cao. Cây hồ tiêu, thế mạnh hơn 10 năm qua ở đây, đang suy giảm trầm trọng cả diện tích lẫn sản lượng. Nông dân Nguyễn Văn Xuân (thôn Lô 13, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) thổ lộ, đất canh tác của gia đình anh giờ đã thu hẹp lại rồi. Cây hồ tiêu trồng lên chỉ sau vài tháng là vàng lá và chết rụi. Dù nông dân đã cố tìm các giải pháp xử lý, lo ngại có những mầm sâu bệnh, nấm độc ẩn chứa dưới đất, trong môi trường, nhưng vẫn không làm gì được. “Chúng tôi thiếu kiến thức khoa học và chưa thấy ai hướng dẫn hiệu quả hơn. Cây tiêu chết, chúng tôi phải đổi qua trồng các loại cây khác, nhưng cứ thay đổi như thế thì chỉ có bần cùng đi”, anh Xuân buồn bã nhận xét. Trên đất nhà anh Xuân, những hàng cọc tiêu trơ trụi đang dựng ngược lên dưới nắng tà, bên dưới là những gốc bơ, sầu riêng mới trồng. Diện tích đất hơn 2 ha của gia đình anh giờ phải đứng trước lựa chọn, tiếp tục bị hoang hóa, cầm chừng canh tác với những giống cây khác; hoặc anh phải nghĩ đến sang nhượng lại phần nào đất để xoay xở cuộc sống. “Xung quanh nhà tôi, người ta bán đất cả rồi. Có nhà bán hết luôn diện tích đất vườn hồ tiêu, bỏ đi nơi khác. Một số người trẻ thì kiếm suất đi lao động nước ngoài rồi”, anh Xuân cho biết.

Mật độ nhà ở đô thị hóa đang tăng nhanh ngay trên những vùng đất canh tác nông nghiệp Đắk Lắk.

Rõ ràng, một câu hỏi rất lớn đang cần đặt ra với ngành nông nghiệp Đắk Lắk và cả Tây Nguyên, là chất lượng canh tác nông sản hiện nay cần được đánh giá lại. Mà nền tảng chất lượng ấy, chính là chất đất cao nguyên có bị suy thoái và ô nhiễm không. Nhiều nông dân huyện Cư Kuin thừa nhận, nguồn nước ngầm ở ruộng rẫy họ đã ngày một giảm, vì môi trường bị tác động quá nhiều. Nhìn ra vành đai núi rừng rộng lớn, nhiều người nghi ngại thực chất những số liệu báo cáo diện tích rừng có xác thực không. Đặc biệt, hơn 10 năm qua, khi chiến lược canh tác nông sản Tây Nguyên không gắn với những nghiên cứu khoa học đầy đủ, nông dân quá nhiều các loại phân bón, hóa chất…, chất đất ở các ruộng rẫy canh tác không còn nữa. Vừa thiếu đi giám sát hỗ trợ kiến thức khoa học, vừa biến đổi xấu về chất đất, nông sản làm sao giữ được chất lượng cao? Hệ lụy kéo theo là đời sống người nông dân ngày một khó, họ buộc phải tính đến giải pháp sang nhượng dần đất trong tay. Càng đi càng lùi, người nông dân mất đất. Trong khi đó, trào lưu đô thị hóa ngày một tăng, những yêu cầu quy hoạch phát triển bền vững chưa được chú ý, càng khiến nguy cơ “bán ruộng” ở người nông dân tăng lên!

Chúng tôi rời Cư Kuin vào buổi tối, cũng như đã rời Krông Pắc, Cư M’gar ở những chiều tối trước. Ánh nhìn của những người nông dân đều như vậy, nhẫn nhịn im lặng đợi chờ điều gì đó, muốn nói mà không nói ra được. Người thương lái dẫn đường thở dài: “Nông dân cần tư vấn lại chuyện canh tác, nếu không sẽ mất hết những vùng hồ tiêu, điều, ca cao… trong một thời gian ngắn nữa thôi. Đất Tây Nguyên mà bạc màu thì tất cả mất hết...”.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.