Multimedia Đọc Báo in

Thăng trầm nghề cá bên dòng Krông Ana

08:38, 21/08/2022

Từng là một nghề đưa lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, nhưng ngày nay khi nguồn lợi thủy sản ít dần, nghề đánh bắt cá bên dòng Krông Ana (huyện Krông Ana) không còn huy hoàng như thuở ban đầu.

Hàng chục năm nay, nhiều hộ dân ở các xóm 7, 3B và 12 (thường gọi là xóm cá) thuộc buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp vẫn theo nghề đánh bắt tôm, cá để mưu sinh. Cuộc sống hằng ngày gắn với sông nước, cá, tôm đã trở nên quen thuộc, gần gũi với họ.

Anh Võ Cư (xóm 12, buôn Trấp) bộc bạch, gia đình anh từ tỉnh Thừa Thiên - Huế vào huyện Krông Ana hơn 20 năm nay, nhà ở cạnh sông nên vợ chồng anh sinh sống bằng nghề đánh bắt cá.

Trước đây, cá ven sông Krông Ana rất nhiều, tôm, tép cũng nhiều vô kể, mỗi ngày vợ chồng anh có thể kiếm được 500 - 600 nghìn đồng từ việc đánh bắt. Mấy năm trở lại đây, cá, tôm trên sông sụt giảm hẳn, cá đánh bắt được chủ yếu là cá rô phi, diêu hồng, cá trắng chứ hiếm khi bắt được cá lăng, cá trắm lớn như trước. Giờ mỗi ngày kiếm được 200 - 300 nghìn đồng để trang trải cuộc sống là vợ chồng anh đã mừng lắm rồi.

Ghe của người dân xóm cá đậu bên sông Krông Ana mỗi khi chiều về.

Tương tự, năm nay đã gần sang tuổi 60, vợ chồng bà Võ Thị Hoa, ông Lê Sáo (xóm 7, buôn Trấp) vẫn ngày ngày lênh đênh trên sông nước với nghề đánh bắt cá. Năm 1990, gia đình bà Hoa chuyển từ huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vào huyện Krông Ana sinh sống. Nơi ở mới chỉ cách bờ sông Krông Ana chừng 50 m, nhà lại không có đất sản xuất nên vợ chồng bà Hòa đã sắm 1 chiếc ghe, lưới, đó và theo nghề cá từ ngày đặt chân đến miền đất mới. Nói về cái nghề vừa là duyên, vừa là nợ này, bà Hoa kể, khi mới theo nghề cá, bà chỉ đi cùng để phụ chồng, phân loại và mang cá ra chợ bán. Làm mãi rồi quen, những ngày chồng vắng nhà, chồng đau bệnh một mình bà cũng làm được các công đoạn từ chèo ghe, thả lưới, bắt cá. "Hồi trước cá nhiều, mỗi lần đi bắt cá mắc đầy lưới, kiếm mỗi ngày cả nửa triệu đồng không khó. Còn bây giờ, may mắn bắt được cá lóc thì còn giá trị chứ chủ yếu cá trắng bán theo mớ (theo từng rổ) chỉ được mấy chục nghìn đồng, không đủ tiền dầu. Chừng này tuổi, nhiều lúc tôi cũng muốn nghỉ ngơi lắm nhưng ông trời còn thương, còn cho sức khỏe thì vẫn bám sông, bám ghe bắt cá, bắt tôm để có đồng ra đồng vào, chứ ở nhà cũng nhớ sông, nhớ nước”.

Chiều muộn, chiếc ghe của ông Đỗ Ngọc Mẫn (ngụ xóm 7, buôn Trấp) mới cập bến sông Krông Ana, nhưng cá, tôm không được như mong đợi. Ông Mẫn bộc bạch, cả ngày nay chỉ được chừng này cá, chủ yếu cá trắng, cá diêu hồng, những cá có giá trị cao như cá lăng không có. Ông ước lượng với số cá này, bán ra được khoảng 150.000 - 200.000 đồng. Ngày nào may mắn gặp được cá lớn, cá giá trị như cá lóc, cá bống, ông mới kiếm thêm được chút đỉnh.

Gần 60 tuổi, ông Đỗ Ngọc Mẫn (xóm 7, buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) vẫn theo nghề chài lưới.

Ông Đỗ Đình Miền, Trưởng buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp) cho biết, toàn buôn có 560 hộ, khoảng 3.000 nhân khẩu. Trong đó, xóm cá có 74 hộ, chủ yếu làm nghề đánh bắt cá. Những năm gần đây, khi nguồn lợi thủy sản giảm mạnh, một số hộ dân tích cóp tiền mua ruộng đất để trồng lúa hoặc lấy hàng về may gia công, tuy nhiên số hộ chuyển đổi nghề không nhiều. Nhiều hộ vẫn chọn và bám trụ với nghề cá nhưng hiện nay phương pháp thủ công không hiệu quả, một số ngư dân dùng xung điện đánh bắt cá vừa nguy hiểm tính mạng, vừa ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản về lâu dài. Chính quyền địa phương các cấp đã phối hợp với ban tự quản buôn tổ chức tuyên truyền, vận động và nhắc nhở người dân không dùng xung điện đánh bắt cá để giữ gìn nguồn lợi thủy sản. Trước đây, địa phương cũng đã thành lập tổ hợp nghề cá với mục đích khuyến khích bà con đánh bắt cá bằng phương pháp thủ công, song chỉ duy trì được một thời gian ngắn. Câu chuyện chuyển đổi nghề cho dân xóm cá vẫn là điều còn nhiều trăn trở khi quỹ đất địa phương không có, chỉ một số ít người trẻ trong độ tuổi lao động đi các tỉnh thành phía Nam làm công nhân, đa phần người trung niên và lớn tuổi họ vẫn chọn cách bám sông, bám nước với cá, tôm bên dòng sông huyền thoại này.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​