Vươn tới thủ phủ cà phê toàn cầu (kỳ 2)
Kỳ 2: Mã “DNA” của đô thị Buôn Ma Thuột
Thương hiệu đô thị độc đáo và hấp dẫn là một trong những điều kiện quan trọng thu hút đầu tư, kinh doanh, du lịch và cư trú, góp phần mang lại sự thịnh vượng cho đô thị. Đây cũng là mục tiêu mà Buôn Ma Thuột đang nỗ lực hướng đến trong tiến trình xây dựng và phát triển đô thị.
Thương hiệu khẳng định vị thế đô thị
Theo GS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam, hiện nay, trong môi trường cạnh tranh đô thị ngày càng mạnh mẽ trên thế giới và ở trong nước, các thành phố muốn phát triển thịnh vượng chắc chắn phải nỗ lực nghiên cứu, tạo dựng, quảng bá và phát triển trên những đặc tính, lợi thế độc đáo khác biệt, được coi là thế mạnh của mình so với các thành phố khác.
Có thể thấy, ở nước ta trong những năm gần đây, việc xây dựng thương hiệu đô thị đã bắt đầu được chú trọng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng thương hiệu đô thị, nhận thức về các cơ sở khoa học của việc xây dựng thương hiệu đô thị có thể chưa đầy đủ, chưa đúng bản chất liên ngành của việc xây dựng thương hiệu đô thị cùng với vai trò của các bên tham gia, từ chính quyền, nhà quản lý, đến nhà đầu tư, chuyên gia và cộng đồng. Trong đó, đáng chú ý là chưa có đội ngũ chuyên gia xây dựng thương hiệu đô thị chuyên nghiệp.
Cà phê đặc sản Buôn Ma Thuột đang ngày một khẳng định vị thế trên thế giới. Ảnh: Hoàng Gia |
GS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông chỉ ra, thương hiệu đô thị không đơn thuần mang những giá trị vật thể (lý tính), mà còn mang những giá trị tinh thần (cảm xúc). Nó được hình thành trên những giá trị cốt lõi về cảnh quan tự nhiên, đặc điểm lịch sử, văn hóa, xã hội, kinh tế, kiến trúc và quy hoạch đô thị, nhằm thể hiện bản sắc, sự khác biệt, tạo nên sự hấp dẫn mạnh mẽ và độc đáo riêng có của đô thị. Ví dụ về xây dựng thương hiệu đô thị, như: Hà Nội - Thành phố hòa bình, Huế - Thành phố di sản, Đà Lạt – Thành phố festival hoa..., đã có những thành công nhất định, nhưng đến nay vẫn chưa đủ để thu hút mạnh mẽ các nguồn nhân lực, vốn đầu tư và du lịch, để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tương xứng với tiềm năng của các thành phố đó.
“Mục tiêu đến năm 2045, xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế (Nghị quyết số 06- NQ/TW ngày 24/01/2022). Đây là cơ hội cho Buôn Ma Thuột, với nhiều tiềm năng, hội tụ nhiều yếu tố đặc trưng riêng có về cảnh quan, đa dạng, phong phú về văn hóa. Và thành phố cà phê chắc chắn sẽ là một thương hiệu đô thị có thể lan tỏa toàn cầu”. GS.TS.KTS. Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam |
Theo PGS.TS. Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam (VITEA), Thành viên Tổ Chuyên gia tư vấn Quy hoạch quốc gia, xây dựng thương hiệu đô thị là một quá trình mang tính chiến lược với tầm nhìn dài hạn, thống nhất về mục đích, có sự tham gia của nhiều bên liên quan, nhằm định vị và quảng bá những giá trị tích cực của đô thị. Trong đó, nhận thức đúng cùng với cam kết chính trị của chính quyền có vai trò quan trọng đối với chiến lược xây dựng thương hiệu đô thị, cũng như góp phần vào thành công của sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đô thị ở nước ta.
Trong bối cảnh hiện nay, trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đô thị trong quá trình toàn cầu hóa, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06- NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chuyên đề đầu tiên của Đảng tạo sự quyết tâm, nhất quán về chủ trương, chính sách để khuyến khích các đô thị xây dựng thương hiệu gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế của đô thị. Với Việt Nam, việc lựa chọn các đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng thành các đô thị có thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao trong khu vực, quốc tế là rất cần thiết và cấp bách.
Định vị những giá trị cốt lõi, đặc trưng của Buôn Ma Thuột
Theo chuyên gia Paul O’Connor, Giám đốc điều hành của World Business Chicago: "Thương hiệu đô thị là mã gen di truyền (DNA) của địa phương, là những gì làm nên địa phương đó, những giá trị được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Chính vì vậy, để xây dựng thương hiệu cho đô thị, một trong những mục tiêu quan trọng của việc xây dựng thương hiệu đô thị là định vị những giá trị cốt lõi, đặc trưng và khác biệt so với các đô thị và địa phương khác.
Buôn Akô Dhông với những nếp nhà dài được gìn giữ, bảo tồn đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Hoàng Gia |
Để đạt được mục tiêu nêu trên, các yêu cầu cần được xác định là: Vị thế của đô thị trong vùng và quốc gia; Điểm mạnh của đô thị để xây dựng những giá trị đặc trưng, hấp dẫn của đô thị so với các đô thị và địa phương khác; Làm thế nào để đưa những giá trị đặc trưng của đô thị vào cuộc sống thực tiễn; Vai trò của các bên tham gia có liên quan. Như vậy, việc xác định thương hiệu TP. Buôn Ma Thuột - “Thành phố Cà phê thế giới” là hướng đi đúng đắn và hoàn toàn có khả năng hiện thực hóa bởi những giá trị đặc trưng riêng có của đô thị vốn đã được Chính phủ định hướng phát triển thành trung tâm vùng Tây Nguyên.
Như nhận định của TS.KTS. Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Buôn Ma Thuột về cơ bản đã hội tụ đủ các nhân tố cốt lõi để phát triển thương hiệu đô thị "Thành phố Cà phê thế giới" cả về hai cách tiếp cận. Thứ nhất là về mặt hình thành dần trong lịch sử (nói đến Buôn Ma Thuột là nói đến xứ sở cà phê, nói đến không gian đô thị có tính đặc thù với các buôn làng truyền thống còn nằm trong cấu trúc đô thị - thể hiện tinh thần nơi chốn)... Thứ hai là về mặt hình thành có dụng ý chiến lược, việc xây dựng Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố Cà phê của thế giới” đang được chính quyền địa phương nơi đây triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Những hiến kế tâm huyết
Lê Hương – Lê Lan
Ý kiến bạn đọc