Multimedia Đọc Báo in

Vươn tới thủ phủ cà phê toàn cầu (kỳ 3)

07:53, 05/08/2022

Kỳ cuối: Những hiến kế tâm huyết

Việc xây dựng hình ảnh thương hiệu Buôn Ma Thuột khác biệt, độc đáo trong xu hướng cạnh tranh khu vực và toàn cầu đã được sự quan tâm của các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế. Đây là những hiến kế tâm huyết giúp cho địa phương khai thác hiệu quả mã “DNA” của thành phố trong chiến lược phát triển đô thị và hiện thực hóa mục tiêu trở thành thủ phủ cà phê toàn cầu.

"Chỉ dẫn địa lý" đô thị không chỉ bằng cà phê

Cho đến nay, cà phê đã đi vào “ngõ ngách” đời sống người dân trên khắp thế giới. Trong sản phẩm “du lịch cà phê” thì văn hóa cà phê được xem là “linh hồn” tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt bên cạnh những trải nghiệm, nâng cao hiểu biết về hệ sinh thái cà phê. Sự khác biệt của không gian văn hóa mỗi nơi làm nên khác biệt của văn hóa cà phê nơi đó.

Theo TS. KTS. Emmanuel Cerise, Trưởng Đại diện Vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX – Vietnam), trên thế giới, chưa có một đô thị nào được chính thức công nhận là "kinh đô" hay "thủ phủ" về cà phê. Có một nghịch lý thú vị là những thành phố nổi tiếng trên thế giới về cà phê đều không trồng cà phê. Họ được cả thế giới biết đến bởi nghệ thuật pha chế cà phê như: Roma (Italia) với cà phê Espresso, Seattle (Mỹ) với cà phê Starbucks. Hay như Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi gần như không liên quan gì đến các hoạt động trồng và sản xuất, chế biến cà phê nhưng văn hóa cà phê Ottoman với cà phê cát là một trong những loại thức uống được UNESCO công nhận  di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hoạt động trải nghiệm văn hóa cồng chiêng, nghệ thuật dân gian của các cộng đồng dân tộc ở TP. Buôn Ma Thuột luôn có sức hút đặc biệt đối với du khách. Ảnh: Hoàng Gia

Buôn Ma Thuột được thế giới biết không chỉ là thủ phủ của cà phê Việt Nam mà còn bởi là vùng sản xuất ra những hạt cà phê có hương vị thơm ngon khác biệt, được chắt lọc và khẳng định qua quá trình lịch sử phát triển hơn 100 năm và Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ từ năm 2005 và đã được nhiều quốc gia trên thế giới chấp nhận bảo hộ. Cho nên, TS. KTS.  Emmanuel Cerise cho rằng, Buôn Ma Thuột có đầy đủ cơ sở và điều kiện thuận lợi để vươn tới thủ phủ cà phê toàn cầu. Tuy nhiên, muốn xây dựng một Buôn Ma Thuột khác biệt không chỉ chú trọng đề cao tính “bản địa” cà phê Buôn Ma Thuột mà còn phải gắn với những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên trong quy hoạch, chiến lược xây dựng phát triển toàn diện của thành phố. Tức là câu chuyện cà phê được kể ở Buôn Ma Thuột phải gắn với lịch sử vùng đất, những đặc sắc về văn hóa của người dân nơi đây. 

 

“Việc hoạch định, xây dựng chiến lược cho thành phố phải mang khát vọng toàn cầu, đóng vai trò toàn cầu. Ngay trong việc tưởng chừng rất nhỏ là thưởng thức cà phê, đến Buôn Ma Thuột để “thưởng thức” cà phê là “uống” cả văn hóa Tây Nguyên, “uống” cả đại ngàn Tây Nguyên”.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế, Thành viên tổ tư vấn Chính phủ

Cùng góc nhìn này, theo TS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe), để xây dựng thành công thương hiệu “Thành phố Cà phê của thế giới” cho TP. Buôn Ma Thuột, cần xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cùng các chương trình hành động cho từng giai đoạn, trong đó, cần chú trọng phát huy Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là một lợi thế để khai thác, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương trên quan điểm bảo tồn gắn với phát triển, để di sản tham gia vào đời sống đương đại, trong chuỗi giá trị của đô thị, làm nên thương hiệu của vùng đất.

Giá trị khác biệt mang đẳng cấp toàn cầu

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế, Thành viên tổ tư vấn Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định: “Kết luận 67 của Bộ Chính trị không chỉ mang tính định hướng mà phản ánh mục tiêu, nhu cầu, điều kiện phát triển Buôn Ma Thuột. Nếu chính quyền địa phương các cấp không nỗ lực hành động thì quả thật lãng phí tiềm năng, không phải riêng Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Tây Nguyên, mà còn cho cả quốc gia. Bộ Chính trị đã định hướng Buôn Ma Thuột là thủ phủ vùng Tây Nguyên, có sứ mệnh dẫn dắt, lan tỏa phát triển cho toàn vùng, vậy thì tầm vóc đô thị Buôn Ma Thuột cũng phải tương xứng với vai trò của nó. Cho nên, sự phát triển của Buôn Ma Thuột phải xác định có vị thế đặc biệt quan trọng trong sứ mệnh phát triển của quốc gia, từ đó, các công tác liên quan đến quy hoạch, xây dựng chiến lược phải hướng đến giá trị mang đẳng cấp quốc gia và hướng tới toàn cầu".

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VII năm 2019 rực rỡ những sắc màu văn hóa của các dân tộc trên thế giới. Ảnh: Hoàng Gia

Đó là giá trị đại ngàn. Đại ngàn trong văn hóa cồng chiêng, đại ngàn hiện hữu trong cuộc sống của người dân. Như GS.TS. Đặng Hùng Võ quả quyết, quan tâm đến công tác quy hoạch thì chỉ mới nói đến "phần cứng" mà chưa chạm đến "phần mềm" của đô thị đó là những giá trị văn hóa, thương hiệu nơi chốn tức là linh hồn, giá trị sống của đô thị. Cho nên, để Buôn Ma Thuột phát triển đúng với vai trò và “sứ mệnh” của nó, phải khai thác "triệt để" giá trị đại ngàn tạo nên sự khác biệt, đẳng cấp và duy nhất. Trong đó, một số việc có thể làm ngay đó là dành sự đầu tư thỏa đáng để phục hồi lại những khoảnh rừng đầu nguồn các bến nước ở các buôn làng, tăng cường mật độ phủ cây xanh trong lòng đô thị gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc của các cộng đồng dân tộc; nâng tầm Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột…

Đề án phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố Cà phê của thế giới” đang được chính quyền thành phố tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, giới chuyên môn để tiếp tục hoàn chỉnh trình Chính phủ. Một đô thị bản sắc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, thành phố Buôn Ma Thuột đang nỗ lực và quyết tâm xây dựng chắc chắn là nền tảng vững chắc cho chiến lược phát triển Buôn Ma Thuột xanh trở thành thủ phủ cà phê toàn cầu trong tương lai.

Lê Hương - Lê Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.