Tìm giải pháp phát triển sầu riêng bền vững
Với khát vọng nâng cao đời sống cho cư dân nông thôn theo hướng có quy chuẩn gắn với tiềm năng, thế mạnh của mình, thủ phủ sầu riêng Krông Pắc đã thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm giải pháp phát triển cây trồng này theo hướng bền vững giữa bối cảnh sầu riêng có được "tấm vé" xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Bàn đạp từ "tấm vé" xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc
Theo nhận định của các chuyên gia, giá sầu riêng Việt Nam còn thấp so với thị trường thế giới, nhưng việc phát triển đang dần được chuẩn hóa. Huyện Krông Pắc đã có những bước đi xây dựng nền móng ban đầu cho lộ trình định hình thương hiệu gắn với chất lượng khi có được nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Krông Pắc”. Toàn huyện có gần 3.800 ha, trong đó có 2.600 ha cho thu hoạch, với sản lượng bình quân hằng năm đạt từ 40 – 50 nghìn tấn. Với năng suất bình quân 15 - 30 tấn/ha, giá bán 40 – 50 triệu đồng/tấn, dự báo sầu riêng sẽ trở thành nguồn thu “thống trị” của người dân trong tương lai. Trong quá trình chuẩn bị những lô hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, huyện Krông Pắc có những doanh nghiệp, vườn cây đã được phía Trung Quốc kiểm tra, đánh giá nghiêm ngặt. “Sự kiểm tra, đánh giá chặt chẽ, khắt khe vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nông dân, doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình, từng bước tiếp cận thị trường tiềm năng này”, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc nhìn nhận.
Nông dân xã Ea Kênh thu hoạch sầu riêng mùa vụ 2022. |
Tại Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản, nông nghiệp bền vững huyện Krông Pắc, ông Chen Shu Nan, đại diện Công ty Cổ phần Wanbang Việt Nam (Tập đoàn quốc tế Wanbang) cho biết, sầu riêng Việt Nam hiện đang chiếm thị phần khá lớn trong thị trường sầu riêng Trung Quốc. Sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch là xu hướng phát triển rất tốt, góp phần lớn trong việc quảng bá nhãn hiệu và nâng cao giá trị sầu riêng Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc. “Hiện tại, người tiêu dùng Trung Quốc chưa biết nhiều về chất lượng của sầu riêng Việt Nam vì trước giờ chưa từng được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc. Nhưng thông qua việc xuất khẩu chính ngạch lần này, tôi tin tưởng rằng nhãn hiệu, chất lượng sầu riêng Việt Nam sẽ tốt và ổn định bởi vì hai nước có khoảng cách gần và khí hậu tương đồng. Hiện tại đơn vị đang tập trung giải quyết vấn đề kho lạnh bởi vì yêu cầu trong việc vận chuyển sầu riêng khá nghiêm ngặt. Việc rút ngắn thời gian vận chuyển sẽ giúp người tiêu dùng được thưởng thức miếng sầu riêng tươi ngon nhất tới từ Việt Nam”, ông Chen Shu Nan chia sẻ.
"Tấm vé" xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường Trung Quốc sau nhiều năm đàm phán sẽ là cơ hội để sầu riêng Krông Pắc phát triển một cách quy chuẩn, nâng tầm từ vườn đến nông sản hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là nền tảng để sầu riêng Krông Pắc vươn ra thị trường nhiều nước trên thế giới. Và theo nhận định của các chuyên gia thì cây trồng này có nhiều hướng để phát triển, như: bán theo dạng quả tươi; quả đông lạnh; múi đông lạnh; nguyên liệu làm kem, sinh tố, bánh, kẹo…
Chuẩn hóa quy trình, định hình chất lượng
Tiềm năng lớn, cơ hội nhiều, nhưng có một thực tế là sầu riêng Việt Nam hiện nay chủ yếu là giống Ri6 và DONA, trong khi đó nguồn cung sầu riêng thế giới rất đa dạng, phong phú; có những đơn vị có tới 80 giống sầu riêng - một con số "khủng" về chủng loại giống đặt ra nhiều vấn đề buộc phải nghiên cứu để tồn tại và phát triển. Tương tự, thực tế thu hoạch, sơ chế sau thu hoạch sầu riêng còn những hạn chế. Bản thân sầu riêng phát triển lâu đời, trên 20 năm nhưng kỹ thuật canh tác truyền thống và hiện đại khác xa nhiều. Thị trường tiêu thụ là thị trường mới, hiện đại, do đó cần phải có quy trình sản xuất chuẩn mực, chú trọng việc sử dụng phân bón, thuốc đúng chuẩn để nông dân có một quy trình chăm sóc ổn định, duy trì năng suất, ổn định chất lượng và thị trường tiêu thụ.
Kho sầu riêng của Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn . |
“Bán tới đâu, bán cho ai thì mình phải có quy trình để sản xuất ra trái sầu riêng có chất lượng. Nông dân, chính quyền, lãnh đạo ngành nông nghiệp cần quan tâm hơn về kỹ thuật và có các chương trình quảng bá, giới thiệu kỹ thuật canh tác sầu riêng để khi cần, bà con có liền để áp dụng. Để người dân "tự bơi" sẽ làm không tốt lắm", TS. Trần Văn Hâu, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ cho biết.
TS. Trần Văn Hâu, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ
|
Tại Hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản, nông nghiệp bền vững huyện Krông Pắc (trong khuôn khổ chương trình Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ I), các chuyên gia, doanh nghiệp về sầu riêng cho rằng, đầu ra của sản phẩm vẫn là câu chuyện dài, bởi có nhiều nước trồng sầu riêng trên thế giới hiện đang phát triển sầu riêng với mục đích xuất khẩu. Muốn có đầu ra bền vững thì phải tìm kiếm thêm thị trường mới, nghiên cứu để phát triển giống sầu riêng ngon, thơm như sầu riêng của các nước trên thế giới hay giống sầu riêng thơm dịu nhưng có năng suất cao.
Việc liên kết nông dân để tạo dựng hàng hóa, nông sản bền vững là vấn đề cần thực thi càng sớm càng tốt, bởi nếu sản xuất không có tổ chức thì không chỉ chất lượng thiếu đồng bộ mà vấn đề buôn bán, thương mại cũng sẽ gặp trắc trở và khó xuất khẩu. Nông dân có tài sản, đất đai, nhưng nông dân cần tính đến vườn sầu riêng đã đạt được tiêu chuẩn chất lượng gì và sầu riêng làm ra bán cho ai, bán để làm gì? Sầu riêng đem đến lợi ích lớn vì nó song hành với rủi ro cao và lệ thuộc quá nhiều vào con người, thiên nhiên. Cùng với đó là vấn đề chất lượng quả sầu riêng khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng kéo dài và khó đoán định do chính đặc thù của sầu riêng gây ra. Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Tổng Giám đốc Công ty Bagico cho biết: “Liên kết sản xuất nông nghiệp cũng giống như một cuộc hôn nhân, nếu chỉ một phía thì sẽ không bền vững. Cần có trọng tài công tâm trong vấn đề này”.
Minh Châu - Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc