Sản xuất “sạch”
Tại buổi lễ xuất khẩu chính ngạch lô sầu riêng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đây không chỉ là câu chuyện của trái sầu riêng, mà còn là hình ảnh, uy tín và thương hiệu của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Cánh cửa thông quan chính ngạch đã được mở ra nhưng vẫn luôn có thể bị đóng lại bất cứ lúc nào, nguy cơ mất thị trường vẫn luôn hiện hữu nếu các yêu cầu kỹ thuật bị vi phạm.
Ở đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan muốn nhấn mạnh đến việc sản xuất nông sản phải thật sự “sạch”. Bởi vì, cơ hội chỉ thật sự mở ra khi và chỉ khi chúng ta phải bảo đảm quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc; có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tân Lập Đông (xã Tân Lập, huyện Krông Búk) thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Thuận Nguyễn |
Lâu nay, khái niệm sản xuất “sạch” được quảng bá, xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và trở thành mối quan tâm của cộng đồng xã hội. Trong thực tế, khẩu hiệu: sản xuất “sạch” vì bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội đã trở thành thông điệp nhằm kêu gọi, làm thay đổi nhận thức của người sản xuất, tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay.
Hưởng ứng thông điệp đó, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xuất hiện các mô hình sản xuất nông sản “sạch” như tiêu “sạch”, cà phê “sạch”, sầu riêng “sạch”, rau an toàn… Những cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm “sạch” cũng ra đời, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong việc bảo đảm cho bữa ăn của gia đình phần nào an toàn.
Tuy nhiên, việc các loại nông sản, thực phẩm không bảo đảm an toàn có mặt trên thị trường vẫn luôn là nỗi lo thường trực của mỗi người, mỗi nhà trong cuộc sống hằng ngày. Chuyện người sản xuất, người chăn nuôi sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, tăng trọng tràn lan cho cây trồng, vật nuôi, khiến cho sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng thiếu an toàn, không biết đường nào mà lường vẫn thực sự là nỗi ám ảnh đối với hầu hết người dân.
Thực trạng như vậy, nhưng để thay đổi hành vi của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản, thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn, thực sự “sạch” là điều không thể một sớm một chiều. Ngoài việc các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước cần phải luôn có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì điều quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ chính ý thức, nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng trong vấn đề sản xuất nông sản, thực phẩm bảo đảm “sạch”.
Rõ ràng, để có một nền nông nghiệp “sạch” thì phải thay đổi ý thức, tập quán sản xuất cũng như thị hiếu tiêu dùng của mọi người và toàn xã hội. Trong điều kiện sản xuất hàng hóa theo hướng chuyên môn hóa ngày càng cao, mọi người đều phụ thuộc lẫn nhau, nên “mỗi người vì mọi người” phải trở thành phương châm sống của cộng đồng.
Cụ thể, muốn có thị trường, muốn tiêu thụ được thì sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, đặc biệt là phải “sạch”. Khi người tiêu dùng yêu cầu khắt khe thì buộc người sản xuất phải sử dụng công nghệ hữu cơ, nếu không hàng hóa làm ra không ai mua thì không thể tồn tại.
Ở chiều ngược lại, mỗi người dân phải nhận thức được là khi mua sản phẩm “sạch”, dù giá có cao, nhưng bảo đảm được sức khỏe, giảm bệnh tật không những cho thế hệ hôm nay mà cả tương lai con cháu mai sau. Mỗi người cũng cần hiểu, bỏ thêm một ít tiền để mua sản phẩm “sạch” thì lại giảm được nhiều chi phí cho việc chữa bệnh, như thế là vẫn “lãi”. Hơn nữa, với nền sản xuất như vậy, tất cả sản phẩm đều là “sạch” nên không có cái “không sạch” để so sánh, lựa chọn về giá cả nữa.
Từ thời chỉ cần “ăn no mặc ấm”, đến nay, chúng ta đang nỗ lực phấn đấu cao hơn đó là “ăn ngon mặc đẹp” và “ăn sạch uống sạch”. Vì vậy, sản xuất “sạch” đang là đòi hỏi bức thiết của mỗi người, mỗi nhà, cộng đồng xã hội, không phải chỉ vì chất lượng cuộc sống hiện tại mà còn vì tương lai của giống nòi.
Tường Mạnh
Ý kiến bạn đọc