Tiếp sức cho người dân chăn nuôi hiệu quả
Nhiều năm qua, huyện Krông Bông đã nỗ lực hỗ trợ, đồng hành cùng người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, phát huy thế mạnh trong chăn nuôi, góp phần cải thiện kinh tế nông hộ, chung tay giảm nghèo ở địa phương.
Ở địa phương chủ yếu phát triển nông nghiệp, người dân huyện Krông Bông đã tận dụng được nguồn phụ phế phẩm như: rơm rạ, cây bắp, sắn… và các bãi cỏ tự nhiên để làm nguồn thức ăn phát triển chăn nuôi bò. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện đa phần là giống bò vàng, trọng lượng nhỏ, tỷ lệ thịt thấp, phát triển chậm, hiệu quả kinh tế không cao. Để hỗ trợ người dân, hằng năm địa phương đều phối hợp thực hiện các chương trình, dự án với quy mô khác nhau để cải tạo đàn bò địa phương, phát triển thành giống bò thịt chất lượng cao.
Người dân xã Hòa Lễ phấn khởi khi nhận được con giống từ mô hình nuôi dê sinh sản nhốt chuồng. |
Từ năm 2008, huyện bắt đầu thực hiện phương án "Zêbu hóa", bằng cách lai tạo giữa bò vàng và giống bò đực Zêbu, tạo ra con lai Zêbu có những ưu điểm tốt của bò vàng mà trọng lượng cũng tăng lên rõ rệt. Nhằm phát triển thành bò thịt, đáp ứng yêu cầu chăn nuôi theo hướng hàng hóa, địa phương tiếp tục triển khai chọn những con bò lai Zêbu làm con cái nền phối tinh với giống bò 3B, Charolai (kem Pháp), Angus để tạo nên những con lai F1 chất lượng. UBND huyện đã giao Trạm Khuyến nông triển khai hỗ trợ thực hiện dự án này. Qua đó, Trạm Khuyến nông tích cực đào tạo đội ngũ cán bộ ở cơ sở để trực tiếp hỗ trợ lai tạo, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho đàn bò. Hiện nay, người dân địa phương đang chuộng giống bò lai 3B với nhiều ưu điểm, như: ăn tạp, nhanh lớn, kích thước lớn, tỷ lệ thịt cao; chỉ cần nuôi trong vòng 6 tháng đã có thể xuất bán được 20 triệu đồng/con.
Đối với tập quán nuôi bò chăn thả tự nhiên, không có dây cột mũi, chuồng trại không kiên cố ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thì việc lai tạo bằng cách phối tinh không hiệu quả, vì vậy địa phương đã chọn phương án hỗ trợ một số con bò đực giống lai để phối trực tiếp. Thông qua kênh của Phòng NN-PTNT và Trạm Khuyến nông huyện, trung bình mỗi năm địa phương đầu tư kinh phí hỗ trợ giống bò đực lai khoảng 500 – 600 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình trồng cỏ voi, đáp ứng nguồn thức ăn sẵn có cho chăn nuôi. Hiện huyện Krông Bông có tổng đàn bò khoảng 25.000 con, trong đó bò lai chiếm 35%, đã góp phần cải thiện giống bò địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đàn dê của gia đình bà Võ Thị Thanh (thôn 4, xã Cư Kty) phát triển khỏe mạnh. |
Cùng với việc cải tạo giống bò địa phương, tháng 8/2022 vừa qua, Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông cũng đã triển khai mô hình nuôi dê sinh sản nhốt chuồng cho người dân. Sau khi khảo sát, Phòng đã hỗ trợ cho 9 hộ chăn nuôi dê, mỗi hộ 7 con dê Bách Thảo trưởng thành (1 con đực và 6 con cái) ở các xã Hòa Lễ, Cư Kty và Yang Reh, kinh phí được trích từ nguồn vốn theo Nghị quyết 04-NQ/HU, ngày 27/12/2016 của Huyện ủy Krông Bông về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn huyện. Đồng thời, mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật giúp người dân chăn nuôi hiệu quả.
Đơn cử như hộ bà Võ Thị Thanh (thôn 4, xã Cư Kty) thu nhập chủ yếu từ chăn nuôi trâu và dê. Trong đó, đàn dê hơn 10 con của gia đình là giống dê địa phương, trọng lượng nhỏ, sinh sản kém, được chăn thả tự nhiên, không áp dụng kỹ thuật chăm sóc nên hiệu quả kinh tế không được như mong đợi. Sau khi được hỗ trợ con giống từ Phòng NN-PTNT huyện, gia đình đã bán số dê cũ, tận dụng lại chuồng trại để chuyên tâm chăm sóc, áp dụng tiến bộ khoa học, tuân thủ các biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Sau hai tháng chăm sóc, đàn dê đang phát triển tốt, đã có hai con dê cái đang mang thai.
“Nuôi dê không vất vả như các loại vật nuôi khác, gia đình chủ yếu tận dụng các loại lá cây, cỏ xung quanh nhà nên chi phí đầu tư không cao, mà còn chủ động được thời gian nông nhàn. Với giá cả ổn định, hiện dê thịt có giá bán 110.000 đồng/kg, đầu ra thuận lợi đã giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất, có thu nhập kinh tế cao từ mô hình này”, bà Thanh chia sẻ.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông, mô hình chăn nuôi dê sinh sản nhốt chuồng bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, đang được Phòng triển khai, theo dõi và đánh giá kết quả để có hướng vận động người dân nhân rộng quy mô chăn nuôi, liên kết sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng người dân để kịp thời gỡ khó trong sản xuất, góp phần tạo chuyển biến trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, cải thiện thu nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc