Multimedia Đọc Báo in

Cần khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng đất

08:11, 25/11/2022

Thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn một số bất cập, thiếu sót đã được cơ quan chức năng chỉ ra. Trước thực trạng này, địa phương cần có những giải pháp để sớm chấn chỉnh, khắc phục, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai.

Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đã cơ bản thực hiện theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được phê duyệt. Các dự án được giao đất để phát triển các khu dân cư, khu đô thị đã góp phần chỉnh trang, tạo bộ mặt cho các huyện, thành phố, thị xã. Các dự án được đầu tư phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huy động mọi nguồn lực, góp phần tạo nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.

Khu đất của một hộ dân tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) sử dụng sai quy định, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Ảnh: Tài Đại

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và sử dụng đất đai còn có một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện tại TP. Buôn Ma Thuột, các huyện M’Drắk, Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo chưa sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, một số chỉ tiêu được phê duyệt và thực tế thực hiện chưa đạt yêu cầu, nhiều chỉ tiêu đạt tỷ lệ quá thấp. Từ năm 2014 đến năm 2020, giá đất trên thị trường có nhiều biến động, theo hướng tăng, nhưng UBND tỉnh chưa kịp thời ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ để làm căn cứ xác định giá đất khi Nhà nước thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất làm giảm nguồn thu nhân sách.

Tại một số địa phương, công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai vẫn còn sai sót, thời gian giải quyết kéo dài, gây bức xúc cho người dân; việc quản lý hồ sơ địa chính còn chưa chặt chẽ, chưa thực hiện cập nhật, chỉnh lý biến động trên các sổ mục kê, sổ địa chính và bản đồ địa chính kịp thời, đúng quy định; còn có tình trạng cho phép một số hộ chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở vượt hạn mức tại Quyết định số 36/2014/QĐ-UBND, ngày 17/10/2014 của UBND tỉnh.

Dự án Nhà máy điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp Long Thành Đắk Lắk, huyện Ea Súp.

Tại TP. Buôn Ma Thuột đã tạo điều kiện cho các hộ dân hiến đất mở đường nội bộ sau đó tách thửa xin chuyển mục đích sang đất ở để chuyển nhượng thu lợi trái phép. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, đất của các công ty nông lâm nghiệp còn diễn ra trên diện rộng và phức tạp trong thời gian dài nhưng không được các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp xử lý dứt điểm theo quy định dẫn đến hệ lụy sau này khó giải quyết, tiềm ẩn phát sinh các "điểm nóng" về khiếu kiện đông người.

Việc chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng của một số bộ phận người dân và tổ chức được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất vẫn chưa thực sự nghiêm túc. Tại TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư Kuin còn xảy ra tình trạng người dân xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, tự ý tách thửa, chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép bằng hình thức giấy tờ viết tay, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định.

Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, việc quy hoạch, cấp chủ trương đầu tư, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tổ chức thực hiện một số dự án như: Trang trại phong điện Tây Nguyên (giai đoạn 1) (huyện Ea H’leo); Nhà máy điện gió Ea Nam (huyện Ea H’leo); Trồng cây nông nghiệp, cây dược liệu và khoanh nuôi quản lý, bảo vệ rừng và Dự án Nhà máy điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp Long Thành Đắk Lắk (huyện Ea Súp) có một số sai phạm, tồn tại nhưng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.

Tại Công văn số 2012/TB-TTCP, ngày 11/11/2022, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, có hình thức xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân để xảy ra thiếu sót, tồn tại, vi phạm và tập trung giải quyết, chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, khuyết điểm.

Hiện, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương tiến hành  các bước để chấn chỉnh những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Đối với diện tích đất thu hồi từ các nông trường, công ty nông nghiệp, Thanh tra Chính phủ đề nghị địa phương chỉ đạo UBND cấp huyện khẩn trương lập phương án sử dụng đất chi tiết để cơ quan thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường lập phương án tổng thể quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc lấn chiếm đất rừng, đất lâm nghiệp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương xử lý để làm cơ sở xây dựng phương án sử dụng đất chi tiết, triển khai thực hiện.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.