Multimedia Đọc Báo in

Cần tập trung hơn vào kết nối đô thị

08:18, 06/11/2022

Điều quan trọng là với động thái này, người dân Đắk Lắk sẽ nhận diện rõ những vấn đề cần tập trung kêu gọi và thực hiện đầu tư của tỉnh, trong đó nổi bật về đầu tư kinh tế, hình thành các đô thị đầu mối, tạo động lực liên kết phát triển.

Năm mũi nhọn, một vấn đề

Nhìn vào dự thảo quy hoạch, có thể thấy rõ tỉnh định hướng đầu tư vào năm mũi nhọn. Đó là nông nghiệp nông sản chất lượng, giá trị cao; công nghiệp chế biến đa dạng, chuyên sâu; phát triển hạ tầng, dịch vụ kết nối thuận tiện; đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ; và áp dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số mạnh mẽ. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là điểm then chốt phù hợp thực trạng kinh tế - xã hội của Đắk Lắk, có ưu thế phát triển nông nghiệp với các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp giá trị cao.

Các chuyên gia tư vấn đã nêu rõ, chỉ có nông nghiệp với giá trị nông sản bền vững mới đủ lực để Đắk Lắk quy tụ các nguồn đầu tư cho công nghiệp chế biến, công nghiệp đóng gói, bao bì, tạo nhu cầu vận tải, luân chuyển hàng hóa, hình thành các hệ thống logistics. Từ ba điểm mạnh này, vấn đề nhu cầu nhân lực chất lượng và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại mới thực sự có giá trị.

Năm mũi nhọn kinh tế vì vậy tạo thế, tương hỗ phát triển, song hạt nhân là lợi thế hàng hóa nông nghiệp. Nếu không có hàng hóa nông nghiệp được sản xuất ổn định, chất lượng, giá trị luôn tăng, bốn mũi nhọn còn lại sẽ không đủ cơ sở để xúc tiến mạnh mẽ. Mà điểm mấu chốt để hàng hóa nông nghiệp có giá trị, bên cạnh việc quy hoạch diện tích canh tác, sản xuất chuyên môn hóa chất lượng, địa phương cần hình thành những điểm tập kết lớn, trình độ bảo quản chế biến cao, quan hệ thương mại truyền thông tốt, và có nhu cầu tiêu thụ cao điểm. Đó chính là các đô thị lõi, đô thị hạt nhân, đô thị liên kết vùng.

TP. Buôn Ma Thuột đang định hình những điểm nhấn đô thị mới với vai trò kết nối mạnh mẽ hơn.

Đây là lý do để Đắk Lắk, trong chiến lược quy hoạch, đã xác định công tác quy hoạch, quản lý phân loại đất đai rõ ràng, và hình thành 31 đô thị thuộc tỉnh, liên kết thành chuỗi hệ thống cung ứng hiệu quả. Đây là giải pháp quan trọng để địa phương vừa khẳng định tầm vóc hạ tầng kinh tế các đô thị, vừa đạt các chỉ số đô thị thông minh qua ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn, từ đó cải thiện không ngừng đời sống và thu nhập thị dân.

Kết nối đô thị không ngừng

Bức tranh quy hoạch Đắk Lắk thể hiện chính quyền đang hình thành chuỗi các đô thị, với tầm nhìn quy hoạch hợp lý giữa các diện tích đất canh tác nông nghiệp, đất bố trí sản xuất công nghiệp chuyên sâu, với các mảng diện tích đất ở đô thị có hạ tầng cư dân bảo đảm chất lượng sống ổn định, tổ chức các hệ sinh thái dịch vụ, ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số hiệu quả.

Theo đó, mỗi đô thị sẽ tập trung đầu tư khai thác lợi thế riêng biệt để có giá trị đầu mối liên kết và lan tỏa, vừa tạo cân bằng hợp lý giữa các điểm nhấn đô thị với nhau, vừa xoay quanh được tâm điểm đô thị Buôn Ma Thuột.

TP. Buôn Ma Thuột theo góc nhìn này sẽ là một trung tâm hành chính kết nối các đô thị chung quanh, vừa trở thành một đô thị cao nguyên có các giá trị đặc trưng, trong đó nổi bật là thương hiệu điểm hẹn cà phê thế giới. Một chuỗi kết nối các giá trị đầu tư vào cà phê sẽ được Buôn Ma Thuột định vị làm tiêu chuẩn thu hút đầu tư, mời gọi các dự án, nhất là kêu gọi các dự án đầu tư chế biến sản phẩm từ cà phê. Các đô thị quanh Buôn Ma Thuột như các huyện Krông Pắc, Krông Ana, Cư M’gar, TX. Buôn Hồ… sẽ được xây dựng thành những điểm tập trung nông sản đặc thù như: bơ, ca cao, sầu riêng… Khi kết nối với Buôn Ma Thuột, các đô thị này sẽ khai thác được các trục phân phối hàng hóa nông nghiệp để cùng nhau phát triển. Điều này giúp làm rõ hơn câu hỏi tại sao TP. Buôn Ma Thuột đang nỗ lực triển khai hàng loạt dự án giao thông kết nối liên vùng, như cao tốc về Nha Trang, đường đi Đà Lạt, tuyến giao thông xuống TP. Hồ Chí Minh và đấu nối với duyên hải miền Trung…

Để tập trung rõ hơn vai trò kết nối thành công các đô thị, tỉnh Đắk Lắk cần tập trung vào ba vấn đề. Thứ nhất là định hình rõ hơn lợi thế ưu tiên của các đô thị thuộc tỉnh, với tầm nhìn phải sáng tạo được những mô hình đô thị lễ hội, đô thị hàng hóa đặc trưng… Thứ hai, là hoàn thiện hạ tầng đúng định hướng quy hoạch hình thành những tuyến đường thương mại và xuất khẩu hiệu quả. Thứ ba là đầu tư được đội ngũ nhân lực theo hướng ứng dụng các dịch vụ đô thị và chuyển đổi số đầy đủ, trọn vẹn hơn. Cả ba yếu tố này sẽ giúp các đô thị Đắk Lắk tận dụng được các lợi thế, tiềm năng của mình để phát triển.

Đồng thời, phải thấy rõ, trong phác thảo quy hoạch, Đắk Lắk đã định vị du lịch sẽ là ngành kinh tế “xương sống” để kết nối và lan tỏa. Đây là một định hướng rất quan trọng, chỉ có thể làm được khi năm mũi nhọn kinh tế đầu tư được triển khai đồng bộ, thành công, và vai trò các đô thị qua chuỗi liên kết phát triển cũng được tôn tạo tốt hơn, phải là những điểm hẹn du khách trải nghiệm xứng đáng những giá trị văn hóa, sinh hoạt, tận hưởng những sản phẩm kinh tế đặc thù, hàng hóa nông nghiệp có giá trị. Chính du lịch sẽ là sợi chỉ xuyên suốt để ý tưởng kết nối, lan tỏa đô thị của Đắk Lắk trở thành hiện thực, góp phần phát triển kinh tế địa phương và khẳng định vị thế của tỉnh thủ phủ cao nguyên.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.