Multimedia Đọc Báo in

Dự án Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Lắng nghe tiếng nói các nhà khoa học

08:25, 02/11/2022

Dự án Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được tỉnh tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, ban, ngành địa phương, nhà khoa học và các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tại cuộc họp tư vấn, phản biện dự án do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh vừa tổ chức, các nhà khoa học, nhà quản lý đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp cho dự án.

TS. Lê Ngọc Báu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, mục tiêu dự án đề ra rất rõ ràng nhưng con đường đi đến mục tiêu này trong bản thuyết minh dự án còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu sâu hơn.

Dự án nêu mục tiêu GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 81,2 triệu đồng giá hiện hành, năm 2030 đạt 131 triệu đồng (gấp 2,9 lần năm 2020) đã tương ứng với một số chỉ tiêu tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, nội dung này cần phải cân nhắc bởi đây là mức thu nhập bình quân đầu người tương đương mức thu nhập của thủ đô Hà Nội năm 2021 (128 triệu đồng/người, xếp thứ 9 trong cả nước). Trong khi đó, quỹ thời gian để triển khai thực hiện quy hoạch chỉ còn hơn 7 năm; chưa kể, mức thu nhập bình quân của tỉnh đang ở nhóm thấp của khu vực Tây Nguyên, kinh tế bị tác động mạnh do dịch COVID-19 khiến sự phục hồi và phát triển đang vấp nhiều khó khăn.

GS.TS. Bảo Huy nêu ý kiến đóng góp cho dự án.

Hiện tại nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ rất quan trọng, nhưng mức độ đến đâu thì cần phải tính toán kỹ hơn bởi phát triển nông nghiệp hữu cơ không dễ. Chưa kể đến việc phát triển nông nghiệp hữu cơ cần một khoảng thời gian dài để cải tạo đất, cùng với đó là việc giảm năng suất, sản lượng đồng nghĩa giảm thu nhập và đặc biệt là đầu ra của nông nghiệp hữu cơ rất khó. Do đó, cần nhấn mạnh hơn đến sản xuất nông nghiệp an toàn với môi trường, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, vừa bảo đảm yếu tố thu nhập và chất lượng sản phẩm.

Với tư cách là người tư vấn độc lập, GS.TS. Bảo Huy cho rằng, quy hoạch cần sử dụng nhiều GIS (Geographic Information Systems – hệ thống thông tin địa lý) hơn bởi đây là một công cụ tập hợp những quy trình dựa trên máy tính để lập bản đồ, lưu trữ và thao tác dữ liệu địa lý, phân tích các sự vật, hiện tượng thực trên trái đất, dự đoán tác động và hoạch định chiến lược. Cụ thể là, sử dụng GIS để xác định vùng thích hợp về sinh thái – kinh tế xã hội cho một số loài cây công nghiệp chủ đạo của tỉnh (cây cà phê, cao su, tiêu, ca cao, mắc ca, cây ăn quả…); quy hoạch lại vùng phòng hộ đầu nguồn, chống sạt lở, lũ lụt, chống ô nhiễm ven sông, suối, hồ, đập; xác lập vùng phục hồi rừng, xác định loài cây bản địa dùng để phục hồi rừng tự nhiên theo đa mục tiêu…

Theo bản thuyết trình tại cuộc họp, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Lắk sẽ phát triển dựa trên 3 nền tảng sinh thái: “Đất – nước – rừng”; bản sắc văn hóa Tây Nguyên; kinh tế xanh, tuần hoàn. Tuy nhiên, phần bản sắc còn khá mờ nhạt. Bản sắc là một cấu phần quan trọng trong định hướng quy hoạch tỉnh nhưng cũng chưa làm rõ về quy hoạch không gian có bản sắc, về bảo tồn và phát triển các đặc trưng, bản sắc văn hóa, thiết kế kiến trúc đô thị, nông thôn có bản sắc.

Nông dân xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột sơ chế cà phê.

Về ngành lâm nghiệp, cần xem xét đến việc bảo tồn voi trong hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó đề cập rõ vấn đề nơi sinh tồn của voi rừng (Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo) để quy hoạch rừng tự nhiên, tạo hành lang di chuyển và nơi sinh sống của voi tự nhiên…

Tương tự, khi phát triển diện tích cây ăn trái cần phải kịp thời khai thác thị trường xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất. Minh chứng là hiện nay giá trái bơ sụt giảm nhanh trong những năm gần đây do chưa có thị trường tiêu thụ ở nước ngoài dẫn đến thực trạng nông dân ồ ạt trồng rồi chặt bỏ dẫn đến sự chuyển dịch thiếu bền vững của kinh tế nông nghiệp. Điều này cũng có thể xảy ra tương tự ở các cây trồng khác trong tương lai nếu không bảo đảm được đầu ra cho nông sản...

Hiện việc tư vấn, phản biện dự án vẫn đang tiếp tục được triển khai rộng rãi với mong muốn huy động, phát huy trí tuệ, chuyên môn của các trí thức, nhân sĩ, nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực đóng góp ý kiến vào nội dung dự án để khi hoàn thiện và triển khai thực hiện sẽ đảm bảo tính khả thi, đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất; góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện đời sống văn hóa, xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.