Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP

07:55, 28/11/2022

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Krông Búk đã có nhiều thay đổi tích cực, từng bước chinh phục được người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm đã chú trọng đầu tư về công nghệ, mở rộng thị trường, nâng tầm sản phẩm địa phương.

Chủ động tìm hướng đi mới

Tại hội nghị đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP huyện Krông Búk năm 2022 vào ngày 22/11 mới đây, trong 8 sản phẩm tham gia, sản phẩm mật ong lên men Bon Bon thu hút sự quan tâm của các thành viên Hội đồng đánh giá bởi sự độc đáo, mới lạ của thức uống vốn đã rất quen thuộc này.

Công đoạn hoàn tất sản phẩm mật ong lên men Bon Bon của Công ty TNHH MTV Thương mại Kim Long (xã Ea Ngai, huyện Krông Búk).

Anh Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Kim Long cho biết, mật ong lên men xuất hiện cách đây khoảng 7 năm và được phát hiện bởi các chuyên gia nghiên cứu về thực phẩm ở nước ngoài. Hai năm trở lại đây, một số doanh nghiệp ở Việt Nam đã sản xuất được mật ong lên men thành phẩm. Do đó, đây là một ý tưởng đã có sẵn nhưng sản phẩm chưa phổ biến. Sau một năm thử nghiệm với số tiền đầu tư gần 200 triệu đồng để thực hiện nghiên cứu sản phẩm, cuối năm 2020 mật ong lên men Bon Bon chính thức ra mắt và chinh phục được khách hàng tại các thị trường lớn trong nước. Thông qua hệ thống cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok...), doanh thu của công ty trong 2 năm đầu khởi nghiệp đạt gần 3 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.

Tương tự, sản phẩm cà phê hạt và cà phê bột Song Thuận của hộ kinh doanh Nguyễn Thái Thuận (xã Pơng Drang) cũng đạt được số điểm lần lượt là 63,5 và 64,5 từ Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP. Theo anh Thuận, sản phẩm cà phê hạt và cà phê bột Song Thuận ra đời xuất phát từ nỗi trăn trở muốn tạo ra loại cà phê có chất lượng nhưng phải giữ hương vị “nguyên bản”.

Để lưu giữ hương vị tự nhiên, nguyên bản của cà phê là cả một nghệ thuật và trải qua nhiều công đoạn phức tạp, từ lựa quả chín, rửa sạch, phơi trên giàn... đến chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trái cà phê khi phơi phải khô đều bởi nếu nắng gắt sẽ làm khô quắt hạt bên ngoài, nhưng vẫn bị ẩm bên trong. Trước khi đem vào rang, cà phê được chọn lọc một lần nữa và rang đúng nhiệt độ “độc quyền” để đảm bảo sản phẩm đạt hương vị riêng. “Nhờ những yếu tố này mà giữa sự đa dạng của các thương hiệu cà phê, Song Thuận vẫn tìm ra được thị trường riêng của chính mình”, anh Thuận cho hay.

Nâng tầm sản phẩm OCOP địa phương

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2022 và định hướng đến năm 2030, UBND huyện Krông Búk tập trung phát triển ba nhóm đối tượng sản phẩm, gồm: nhóm thực phẩm (nấm, rau, trái cây); nhóm đồ uống (cà phê, sản phẩm cà phê, các loại đồ uống chế biến từ hạt); nhóm thảo dược (nấm linh chi, trà, tinh dầu sả). Đồng thời, nghiên cứu bổ sung ba nhóm sản phẩm còn lại vào kế hoạch hằng năm gồm: nhóm sản phẩm vải và may mặc (các nhóm, tổ hợp tác dệt thổ cẩm); nhóm sản phẩm lưu niệm, nội thất, trang trí; nhóm sản phẩm du lịch nông thôn, bán hàng OCOP.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên huyện Krông Búk tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk (năm 2020).

Hiện nay, huyện Krông Búk đã có 7 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh và 8 sản phẩm 3 sao cấp huyện, tập trung ở nhóm đồ uống. Ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk đánh giá, các sản phẩm OCOP hiện nay đều sản xuất bằng nguồn nguyên liệu của địa phương, do đó được kiểm soát chặt đầu vào nguyên liệu, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành sản phẩm cũng thấp hơn so với  những nơi phải nhập nguyên liệu từ vùng khác.

Dù vậy, cần phải nhìn nhận các sản phẩm OCOP của huyện chưa có sự khác biệt, vẫn xoay quanh các đặc sản chủ lực là cà phê, ca cao, mắc ca... “Năm 2022, xuất hiện những dòng sản phẩm mới, có quá trình nghiên cứu về thị trường và chủ thể là những thanh niên nông thôn khởi nghiệp cũng đã dày công nghiên cứu, xây dựng sản phẩm như: giá trị về sức khỏe, hình thức, cách quảng bá…, đây là những tín hiệu tích cực để nâng tầm sản phẩm OCOP của huyện Krông Búk”, ông Lâm nói.

Hiện, UBND huyện đang nỗ lực nhằm định hướng các chủ thể tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm OCOP của huyện để thị trường chấp nhận. Theo đó, huyện đã xây dựng đội ngũ tư vấn về các sản phẩm OCOP để đồng hành cùng các chủ thể. Đối tượng mà đội ngũ tư vấn tập trung hướng đến là những thanh niên khởi nghiệp, họ nhanh nhạy trong việc ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; việc này bước đầu đã tạo ra kết quả khả quan và minh chứng cụ thể nhất đó là có 7 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND huyện sẽ tổ chức cho đội ngũ tư vấn rà soát, xác định các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ đặc sản của địa phương hoặc có ít nhất sử dụng 50% nguyên liệu tại địa phương, có tính chất độc đáo, có gia tăng giá trị, không ảnh hưởng đến môi trường; các sản phẩm dịch vụ dựa trên thế mạnh về văn hóa, di tích, thắng cảnh, môi trường của địa phương để phát triển sản phẩm OCOP.  Tiếp đến là thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và tập trung phát triển sản phẩm OCOP bảo đảm tiêu chuẩn Việt Nam và từng bước theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.