Multimedia Đọc Báo in

Huyện M’Drắk: Hiệu quả khi chọn nghề đào tạo phù hợp với lao động nông thôn

07:58, 29/11/2022

Với số lao động trong độ tuổi khoảng 45.500 người (chiếm 57% tổng dân số), trong đó lực lượng lao động làm việc tại địa phương khoảng 36.400 người (chiếm 80% lực lượng lao động toàn huyện), công tác đào tạo nghề lao động nông thôn vì vậy được huyện M’Drắk quan tâm, chú trọng triển khai, mang lại hiệu quả.

Ngay khi có Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện M’Drắk đã ban hành nhiều văn bản về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm; kiện toàn Ban Chỉ đạo Đề án từ cấp huyện đến cấp xã. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm phù hợp với thực tiễn từng năm và cả giai đoạn. Hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn từng bước được nâng cao, các ngành nghề được tổ chức đa dạng, phong phú đã giúp lao động nông thôn lựa chọn nghề phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình.

Lớp may dân dụng ở thôn 5, xã Krông Á.

Anh Chu Văn Hùng (SN 1993, dân tộc Nùng, ở thôn 5, xã Krông Á) hiện tại đang theo học lớp may dân dụng chia sẻ: “Các lớp đào tạo nghề được tổ chức ngay tại địa phương đã tạo điều kiện cho nhiều lao động nông thôn như tôi tham gia. Thời gian đào tạo lại được linh động, có cả lớp mở vào buổi tối nên không ảnh hưởng đến công việc hằng ngày. Sau khi học xong, tôi sẽ cố gắng mở một tiệm may hoặc tìm kiếm cơ hội việc làm ở các công ty may mặc”.

Còn anh Nguyễn Ngọc Quý (SN 1990, ở thôn 7, xã Ea Riêng) sau khi tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi heo ngay trên địa bàn xã vào tháng 8/2022, đã mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình nuôi heo rừng lai. Anh Quý cho biết, tiếp cận mô hình chăn nuôi heo rừng lai từ năm 2017, tuy nhiên do chưa nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi nên không dám tăng đàn, chỉ chăn nuôi cầm chừng. Khóa học chăn nuôi đã giúp anh bổ sung nhiều kiến thức bổ ích về cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, kỹ thuật phối giống, sinh sản cho heo. Vì vậy, anh đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện tại, đàn heo của gia đình đã có trên 50 con.

Mô hình nuôi heo rừng lai của gia đình anh Nguyễn Ngọc Quý.

Ông Trịnh Công Tiến, Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện M’Drắk cho biết: Từ năm 2016 đến năm 2021, Trung tâm đã tổ chức được 41 lớp đào tạo nghề các loại cho hơn 1.650 lao động, trong đó người lao động là dân tộc thiểu số được đào tạo nghề là gần 1.500 người. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 11 lớp đào tạo nghề chăn nuôi, may dân dụng và xây dựng dân dụng cho hơn 350 người ở các xã trên địa bàn huyện, trong đó đã có 4 lớp tốt nghiệp, hiện còn 7 lớp đang trong quá trình đào tạo. Bình quân mỗi năm mở được từ 5 - 6 lớp nghề cho khoảng 140 - 170 học viên.

Sau khi được đào tạo, người lao động, nhất là thanh niên đã biết cách tiếp cận và vận dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, tìm kiếm được việc làm có thu nhập ổn định, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ở các xã Cư M’ta, Krông Jing, nhiều đội, nhóm về xây dựng được thành lập, nhận thi công các công trình trên địa bàn huyện và các vùng lân cận đã cho thu nhập tương đối ổn định. Ở xã Ea Riêng, các tổ hợp tác chăn nuôi gà, heo cũng được đã thành lập, từ đó giúp các thành viên mạnh dạn vay vốn phát triển mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Trong giai đoạn 2016 - 2021, toàn huyện M'Drắk đã giải quyết việc làm cho 6.180 lao động, bình quân hằng năm là 1.236 lao động; trong đó, tạo việc làm mới cho 3.120 lao động, bình quân hằng năm là 624 lao động.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.