Multimedia Đọc Báo in

Tiểu thương chợ truyền thống bắt nhịp xu hướng 4.0

07:08, 13/11/2022

Thương mại điện tử (TMĐT) đang là xu hướng hiện nay. Trước xu thế mới, nhiều tiểu thương tại chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cũng đã “nhập cuộc” bán hàng trên các nền tảng công nghệ để thu hút khách.

Trong khi nhiều khách hàng trực tiếp đến sạp để mua hàng, chị Ngô Thu Thanh (sạp 56 lầu 2, khu B chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột) vẫn say sưa livestream chào bán quần áo qua mạng. Hơn 2 năm qua, nhờ tích cực bán online nên nhiều khách biết đến sạp hàng của chị hơn. "Cứ tầm từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều mỗi ngày, tôi tranh thủ chụp ảnh đăng Facebook, Zalo hoặc livestream giới thiệu hàng. Vào khung giờ này lượng khách tương tác nhiều hơn, mọi người tranh thủ nghỉ giải lao nên có thời gian lướt Facebook", chị Thanh chia sẻ.

Chị Ngô Thu Thanh (sạp 56, chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột) đang livestream bán hàng tại sạp.

Tại chợ Quảng Phú (huyện Cư M’gar), chị Nguyễn Thanh Trang, kinh doanh quần áo cũng áp dụng cùng lúc hình thức bán hàng trực tiếp và livestream để thu hút khách trên các nền tảng mạng xã hội. Theo chị Trang, vào những giai đoạn thấp điểm mua sắm, người dân đến chợ thưa thớt thì việc bán quần áo trên mạng xã hội, livestream khá hiệu quả.

Kinh doanh ngành hàng ăn uống tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, chị Phạm Thị Xuân Hồng, chủ quầy hàng miến gà cô Hồng liên tục bận rộn vì vừa bán hàng cho thực khách đến ăn tại quầy, vừa kiểm tra thông tin đơn hàng mới trên ứng dụng công nghệ (app) Grab food. Phương thức kinh doanh này đã được chị áp dụng từ 2 năm nay. Khi có người đặt hàng, đội ngũ tài xế sẽ giao hàng đến tay người tiêu dùng. Thời điểm này, dịch bệnh được kiểm soát tốt, việc buôn bán trực tiếp đã thuận lợi hơn nhiều, hằng ngày lượng hàng chị Hồng bán ra tương đối lớn. Riêng trên ứng dụng công nghệ, mỗi ngày, chị có thể bán được 40 - 50 đơn hàng bún, miến các loại.

Chị Phạm Thị Xuân Hồng, quầy miến gà cô Hồng, chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột vừa bán hàng trực tiếp, vừa kiểm tra đơn hàng trên app Grab food.

Hiện nay, không ít tiểu thương chợ truyền thống đã "nhập cuộc" công nghệ để mở rộng cơ hội kinh doanh, tìm kiếm khách hàng mới. Nhiều tiểu thương khẳng định, cạnh tranh với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi “mọc” lên ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh, tiểu thương cũng “tự làm mới" mình để tìm kiếm khách hàng. Theo bà Trần Thị Thảo Nguyên, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng kinh doanh chợ Buôn Ma Thuột, hiện nay nhu cầu bán hàng trên các nền tảng TMĐT đang trở nên phổ biến đối với tiểu thương ở chợ. Ngoài việc kinh doanh trực tiếp tại chợ thì nhiều tiểu thương còn tham gia bán hàng qua các kênh cá nhân như Zalo, Facebook, các trang hội, nhóm, bán hàng qua ứng dụng công nghệ (app) hoặc giao hàng qua shipper. Hoạt động bán hàng trên nền tảng công nghệ của tiểu thương khá sôi nổi. Tuy nhiên, để thích nghi với những chuyển biến của thời 4.0, tiểu thương rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn, tư vấn, trang bị kiến thức về các nền tảng ứng dụng công nghệ, giúp họ gia nhập “sân chơi số” để hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Thực tế cho thấy, chợ truyền thống đang đứng trước áp lực buộc phải thay đổi trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các loại hình kinh doanh khác. Trong bối cảnh này, tiểu thương chợ truyền thống đã linh hoạt đổi mới phương thức kinh doanh, tiếp cận cách bán hàng hiện đại.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.