Triển vọng cà phê chè ở xã Dliê Ya
Với lợi thế có độ cao trên 800m so với mực nước biển, đến thời điểm này, xã Dliê Ya (huyện Krông Năng) được xem là vùng trồng cà phê chè duy nhất của tỉnh. Với việc tập trung canh tác theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững, cà phê chè ở Dliê Ya có nhiều triển vọng tham gia vào sân chơi cà phê đặc sản trong nước.
Niềm vui được mùa, được giá
Đến xã Dliê Ya đúng vụ thu hoạch, dưới tán cây che bóng là những vườn cà phê chè đỏ rực, quả trĩu cành. Vụ này bà con nông dân rất phấn khởi khi vừa được giá lại được mùa…
Anh Trần Văn Thảo (thôn Ea Bi) cho biết: “Thông thường mọi năm vào thời điểm này mưa nhiều hơn, nhưng năm nay, mưa cũng vừa phải, đất đủ ẩm nên cà phê quả nhiều, trái to, bóng mẩy… Cà phê không chỉ được mùa, mà giá cũng ổn định ở mức cao nên ai cũng phấn khởi”.
Vườn cà phê chè trĩu quả trên vùng Đồi 900. |
Theo chia sẻ của nhiều người dân trồng cà phê nơi đây, mọi năm, vào đầu vụ, giá cà phê thấp, sau đó mới dần nhích lên ở thời điểm giữa và cuối vụ. Nhưng năm nay, ngay từ đầu niên vụ, giá cà phê chè tươi đã ở mức khá cao, từ 12.500 - 13.200 đồng/kg; có những thời điểm đạt 15.000 đồng/kg; giá cà phê nhân ở mức 100.000 – 150.000 đồng/kg; tăng so với niên vụ từ 20 - 30%.
Một niềm vui khác đến với người dân trồng cà phê chè ở đây là trong năm 2021, Hợp tác xã (HTX) Ea Tân, thôn Thanh Cao, xã Ea Tân (huyện Krông Năng) đã thu mua một số lượng cà phê chè ở khu vực Đồi 900, xã Dliê Ya, thực hiện gia công và cung cấp cho một đơn vị tham gia cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam lần thứ 4 năm 2022. Kết quả, sản phẩm được chấm trên 80 điểm và đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản.
Chính vì vậy, trong niên vụ này, HTX Ea Tân đã tổ chức thu mua 200 tấn cà phê chè tươi ở xã Dliê Ya, với giá cộng thêm so với thị trường khoảng 20%. Bên cạnh việc tổ chức thu mua, trước đó HTX đã tổ chức liên kết với bà con trồng cà phê chè theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững (Rainforest Alliance). Việc nâng cao chất lượng cà phê chè được trồng ở Đồi 900 góp phần tạo vùng nguyên liệu ổn định và phát triển thương hiệu cà phê Arabica của Krông Năng.
Hướng đi đặc sản
Cây cà phê chè có đặc tính phù hợp với những vùng đồi, núi cao, không khí lạnh nên hiện nay cả nước có khoảng 50.000 ha cà phê chè tập trung ở các tỉnh như Sơn La, Quảng Trị, Lâm Đồng… Với lợi thế có độ cao trên 800 m so với mực nước biển, đến thời điểm này, xã Dliê Ya được xem là vùng trồng cà phê chè duy nhất của tỉnh. Tuy nhiên, chỉ với gần 200 ha thì diện tích cà phê chè còn quá khiêm tốn so với các vùng, miền khác trong cả nước.
Niềm vui của người trồng cà phê chè ở xã Dlie Ya. |
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, chiến lược chung của Việt Nam là phát triển diện tích cà phê chè lên khoảng 140.000 ha, chiếm 20% diện tích cà phê cả nước. Đây là một chiến lược đúng đắn nhằm đa dạng hóa mặt hàng cà phê Việt Nam không chỉ trong nước mà còn trên thị trường thế giới. Diện tích cà phê chè của tỉnh Đắk Lắk còn khá ít, nhưng chất lượng thì không thua kém gì so với các vùng trồng khác trong nước. Điều đó được khẳng định khi sản phẩm cà phê chè được thu hái tại Đồi 900 ở xã Dliê Ya đạt tiêu chuẩn đặc sản trong Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam lần thứ 4 năm 2022.
Đây không chỉ là sự khích lệ đối với người trồng và chế biến cà phê tại đây mà còn là một trong những lợi thế để bà con nông dân tiếp tục đầu tư, chăm sóc và mở rộng thêm diện tích cà phê chè hiện tại. Nếu xây dựng tốt từ các khâu chăm sóc, thu hoạch, chế biến, cà phê chè ở Đồi 900, xã Dliê Ya có nhiều tiềm năng để xây dựng thương hiệu riêng của mình; góp phần đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm cà phê của tỉnh, nâng cao chất lượng, tăng thu nhập cho người nông dân.
Gia Bảo
Ý kiến bạn đọc