Buôn Ma Thuột và những đường phố tôi qua
Đô thị Buôn Ma Thuột đang đổi thay từng ngày, nhiều đường phố không ngừng được mở rộng, nối dài thêm. Ở đó, mỗi ngày tôi đi qua và nhận ra hình hài của thành phố này - từ quá khứ đến hiện tại là dòng chảy lịch sử thăng trầm và miên viễn như bao vùng đất khác.
Song, cũng rất thú vị và khác lạ bởi phố núi ấy được vẽ nên qua những tên đất, tên người cụ thể - giấu cay đắng, ngọt bùi sau những khúc quanh dâu bể, để rồi có lúc chạm vào thì ký ức vỡ ra ấm áp và lấp lánh như vừa mới hôm qua…
Không biết bao nhiêu lần tôi qua lại trên con phố Điện Biên Phủ, đoạn từ đường Phan Bội Châu đến hết con dốc suối Ea Nhuôl ngày nay, nhưng đâu biết ở đó vào cuối thập niên 60 có tiệm sách nổi tiếng mang tên Cao Trí được mở ra, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tiếp nạp tri thức cho các giai tầng trong xã hội ở Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ. Giới trí thức thì chuộng triết học hiện sinh (của Jean Paul Sartre, Nietzsche, Kierkegaard, Albert Camus) hay mỹ học và truyện dịch của phương Tây. Bình dân thì đọc tiểu thuyết trinh thám, truyện đường rừng (của Lan Khai, Thế Lữ, Lý Văn Sâm); tiểu thuyết kiếm hiệp (Kim Dung, Cổ Long, Lương Vũ Sinh); truyện tâm lý, tình cảm của nhiều tác giả trong và ngoài nước. Trong tản mạn “Buôn Ma Thuột, thành phố tuổi thơ tôi” - thi sĩ Lê Vĩnh Tài cho hay tiệm sách trên là của ông Cao Trí (tên thật là Y Tí, em song sinh với ông Y Lý, chủ quán cà phê Đồng Xanh) mở ra đầu tiên ở phố núi này.
Nói về chủ nhân của hai địa chỉ văn hóa, giải trí nổi tiếng nói trên ở vùng đất Buôn Ma Thuột - qua chia sẻ của anh bạn Lê Vĩnh Tài, tôi mới biết đó là hai đứa con trai song sinh của ông Y Say (từng giữ chức Thư ký, rồi Thẩm phán Tòa Luật tục dưới thời Công sứ Sabatier cai quản Đắk Lắk từ năm 1913 – 1926) với bà vợ là một cung nữ được Đức Từ Cung - mẫu hậu của vua Bảo Đại đem từ Kinh đô Huế vào gả cho vị chức sắc của tộc người Êđê ở đây. Đến nay, tiệm sách Cao Trí chỉ còn trong ký ức của người dân Buôn Ma Thuột, nhưng quán cà phê Đồng Xanh vẫn còn đó - trên đường Phan Bội Châu (đối diện với Chùa Khải Đoan). Không ít lần tôi cùng bạn bè đến đó nhâm nhi ly cà phê đen nguyên chất và nghe chủ quán hồi ức về quá khứ “vàng son” của mình. Ông Phúc, chủ quán cà phê này vào những năm 1990 – 2000 đã thu hút khách hàng không những vì chất lượng của ly cà phê thượng hạng, mà còn nhờ những ngón đàn hạ-uy-di tuyệt đỉnh.
Nhà sách, báo Tia Sáng nhộn nhịp mua bán ở một tuyến phố Buôn Ma Thuột vào những năm của thập niên 60. Ảnh tư liệu |
Còn nhớ thời cơ quan tôi - Tòa soạn Báo Đắk Lắk còn đóng tại 220 Phan Bội Châu, sáng và tối nào anh em, bạn bè đồng nghiệp cũng thường đến đây để thưởng thức cà phê cùng ngón đàn của ông Phúc. Qua tâm sự, tôi được biết ông chủ quán cà phê Đồng Xanh ấy là con cháu của ông Y Say với cô cung nữ Nguyễn Thị Mùi ngày nào. Ông Y Say mất vào năm 1945, sau đó mộ phần được cải táng ở cạnh nhà thờ Giáo xứ Giuse (hiện vẫn còn tại phường Tân Thành - TP. Buôn Ma Thuột). Bà Mùi, vợ ông cũng mất tại mảnh đất này vào khoảng thập niên 80, để lại khá nhiều gia sản, trong đó có quán cà phê với lịch sử lâu đời nhất ở phố núi cao nguyên. Điều thú vị hơn khi tôi tìm hiểu về vùng đất Lạc Giao, một làng người Kinh có mặt sớm nhất trên đô thị này thì được một số cao niên ở đây chia sẻ: Vùng đất ấy là do ông Y Say (hay còn gọi là Ama Lak) tặng cho, khi ông được gá nghĩa vợ chồng với cô cung nữ Nguyễn Thị Mùi, để bà có nơi đi về, sum vầy cùng gia đình. Tiếng Êđê, Jao có nghĩa là “cho” và Lạc Giao là cách gọi của người Việt từ hai từ Lak jao”- được hiểu là “vùng đất được ông Ama Lak cho”.
Khu đất trên lượn từ đường Lê Hồng Phong xuống Hồ Tùng Mậu, vòng qua Biệt điện Bảo Đại đến trung tâm Ngã Sáu với hàng chục tuyến phố nội thị như bây giờ (bao gồm Nơ Trang Lơng, Y Jút, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Quang Trung, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu, Trần Phú, Điện Biên Phủ…) đều lấy đình Lạc Giao làm tâm điểm, thu hút ngày càng nhiều cư dân người Kinh từ mọi miền đến sinh cơ, lập nghiệp từ những thập niên đầu thế kỷ 20 đến nay. Tôi từng qua lại trên những con phố ấy - và bao giờ cũng có cảm khái rằng, Buôn Ma Thuột xưa cũ, gần gũi nhất chính là đây, những con phố dù trải qua bao lần “thay tên, đổi chủ” vẫn gieo vào lòng con người sở tại, hay khách phương xa đến mối tình thâm về một vùng đất rộng mở mà bao dung tất thảy cho mỗi phận đời, phận người đến rồi đi và trở về…
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc