Multimedia Đọc Báo in

Đô thị Buôn Ma Thuột: Cần đột phá từ quy hoạch!

06:18, 04/12/2022

Kể từ ngày 1/1/2023, TP. Buôn Ma Thuột được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển, theo Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.

Điều này hứa hẹn mở ra cánh cửa mới cho đô thị cao nguyên, với yêu cầu mạnh dạn thúc đẩy, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội một cách tích cực hơn. Tuy nhiên, liệu Buôn Ma Thuột có nắm chắc cơ hội này, đặc biệt ở góc độ phát triển đô thị thủ phủ Tây Nguyên đúng với tầm nhìn đến năm 2030 – 2045?

Để trả lời câu hỏi này, thiết nghĩ cần chú ý thông điệp mà Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đưa ra ở Hội thảo khoa học “Những vấn đề cần đặt ra trong điều chỉnh quy hoạch các đô thị lớn” vừa diễn ra cuối tháng 11/2022 vừa qua, đó là công tác quy hoạch cần có những cách đổi mới, nhìn nhận thấu đáo hơn về cơ hội phát triển của các đô thị, không nên bó buộc quy hoạch các đô thị phải bám theo quy hoạch vùng, miền và cả nước…

Chồng chéo quy hoạch đô thị?

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, đô thị hóa đúng hướng là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với xã hội và các địa phương, mà quy hoạch là vị trí nền tảng. Do những thay đổi trong chính sách quản lý hiện nay, với những khung luật quy hoạch, quy hoạch đô thị… khác nhau, nên việc định hướng các không gian đô thị trong quy hoạch là có vấn đề.

Các đô thị địa phương đang bị rào cản, phải chấp hành quy định chỉ tổ chức quy hoạch cơ sở theo quy hoạch vùng, rồi quy hoạch vùng phải tuân thủ quy hoạch toàn quốc. Quy định này đã có lâu nay, và đã được xem là giải pháp thống nhất trong quản lý quy hoạch quốc gia. Nhưng các nhà quản lý không lưu tâm rằng, một khi quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng chưa thực hiện được, thậm chí có quy hoạch nhưng lạc hậu so với năng lực phát triển của đô thị địa phương, thì quy định tuân thủ từ trên xuống dưới như vậy có làm hạn chế cơ hội cho đô thị cơ sở hay không, có làm các đô thị bị lạc hậu và thiếu tính linh hoạt không.

Chẳng hạn, việc quy định quy hoạch đô thị lớn Việt Nam theo Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị là có sự khác nhau. Một bên, Luật Quy hoạch chú ý chỉ số phát triển kinh tế - xã hội, phương hướng phân bổ không gian kinh tế, tầm nhìn quy hoạch khoảng 10 năm, còn Luật Quy hoạch đô thị lại nghiên cứu chỉ tiêu, quy mô đô thị dân số, mật độ dân số, đất xây dựng đô thị, hệ số sử dụng đất quy hoạch đô thị, các đặc trưng về diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị… với tầm nhìn 20 năm hoặc trên 20 năm. Về phương pháp, các quy hoạch vùng miền, tỉnh thành sẽ chọn ngành mũi nhọn làm trọng tâm để xây dựng mục tiêu và các dự án phát triển, còn quy hoạch đô thị lại theo dõi tổ chức quy hoạch với sự tham gia đồng đều của các lĩnh vực kinh tế… “Độ vênh” trong tư duy quản lý quy hoạch như vậy là khá lớn, cần chuyển từ tư duy quy hoạch tổng thể theo chỉ tiêu kỹ thuật, dựa trên dự báo, sang quy hoạch chiến lược, nắm chắc thực tiễn địa phương, thì mới đồng bộ được các quy hoạch đô thị cấp dưới, ở từng lĩnh vực khác nhau, với tầm nhìn trên 20 năm.

Cần đột phá, thay đổi tư duy quy hoạch cơ sở để đô thị Buôn Ma Thuột có được cơ hội tăng tốc phát triển.

Cơ hội nâng tầm bản sắc

Đối chiếu những đánh giá yêu cầu quy hoạch với thực tế đang phát triển và được quản lý của TP. Buôn Ma Thuột hiện nay, có thể thấy, đô thị cao nguyên này đang bị những giới hạn trong chính tư duy về năng lực của mình.

Cụ thể, quy mô phát triển đô thị Buôn Ma Thuột, cần xác định chính từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bài toán thu hút và thực thi đầu tư kinh tế, phát huy các cơ hội dân sinh… Cơ chế đặc thù áp dụng cho Buôn Ma Thuột đã thể hiện những lợi thế này, với chỉ tiêu được phân bổ thu chi ngân sách dựa trên định mức dân số, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế mũi nhọn về nông nghiệp, như chuyên canh cà phê… được thuận lợi phát triển. Song, khi đối chiếu năng lực này với thực trạng quy hoạch tỉnh, và hơn nữa, là quy hoạch toàn vùng, thì các yêu cầu tăng trưởng nhanh của đô thị Buôn Ma Thuột lại khó thích ứng.

Đơn cử về mật độ, diện tích sàn nhà ở đô thị, chiếu theo nhu cầu tăng trưởng, TP. Buôn Ma Thuột cần con số phát triển cao hơn, yêu cầu giám sát quy hoạch chặt chẽ hơn; nhưng quy hoạch đô thị tỉnh Đắk Lắk lại phải tính toán, cân đối cơ hội cho cả 31 đô thị được định hướng quy hoạch đến năm 2030. Nếu Buôn Ma Thuột được tạo điều kiện phát triển nhanh, đi trước, liệu các đô thị vệ tinh xung quanh, các huyện lỵ có đáp ứng theo kịp không?

Rõ ràng chỉ xét về quy mô phát triển đô thị, TP. Buôn Ma Thuột cần được ưu tiên tập trung vào những chỉ số tăng tốc mạnh mẽ về diện mạo đô thị, năng lực kinh tế trong đô thị, chỉ số nâng cao đời sống của thị dân. Đó là đòi hỏi cần thiết và hợp lý để thành phố phát huy được tốt các lợi thế của mình, thực sự trở thành đô thị hạt nhân, tâm điểm vùng cao nguyên…, và nhất là tận dụng được tối ưu các điều kiện hỗ trợ từ cơ chế đặc thù. Nhưng, khi quy hoạch toàn tỉnh, với những chỉ số cần đồng đều, cân đối giữa các cấp cơ sở, thì tốc độ đi trước của Buôn Ma Thuột sẽ là vấn đề phải xem xét lại.

Kiến nghị từ Hội Phát triển quy hoạch đô thị Việt Nam cho thấy, đã đến lúc các địa phương, và cả Trung ương, cần đánh giá đúng cơ hội của các đô thị ưu tiên, đô thị cấp vùng, miền… phải gắn với tư thế chủ động, mạnh dạn có quy hoạch riêng, được giám sát hiệu quả hơn. Phải chăng, đô thị Buôn Ma Thuột cần nhận được sự quan tâm để chủ động phác thảo rõ ràng hơn lộ trình tăng trưởng, hướng tập trung đầu tư trong tương lai, tầm nhìn đến trên 20 năm, thì mới thực sự tạo được cơ hội và tầm vóc phát triển, từ đó tạo nên thế và lực để lôi cuốn theo, tổ chức các đô thị xung quanh, và toàn vùng miền thay đổi, tăng trưởng?

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.