Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ liên kết sản xuất lúa tại huyện Lắk

08:13, 29/12/2022

Thời gian qua, nhờ triển khai liên kết sản xuất lúa theo phương thức tập thể mà nông dân trên địa bàn huyện Lắk đã dễ dàng bao tiêu sản phẩm, từng bước nâng cao chất lượng và mang lại lợi nhuận cao.

Được thành lập vào tháng 7/2020, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Nông lâm ngư nghiệp Thiên Phú tại xã Buôn Tría (huyện Lắk) đã phát huy vai trò liên kết trong sản xuất lúa mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện HTX đang liên kết với 165 hộ dân trồng các loại lúa ST24, ST25 trên địa bàn xã Buôn Tría và Đắk Liêng, với diện tích 228 ha.

Theo ông Nguyễn Hoàng Đương, Giám đốc HTX, từ ngày thành lập, đơn vị đã xây dựng quy trình sản xuất cụ thể. HTX đã “bắt tay” vào liên kết với Công ty Sản xuất giống Hồ Quang (tỉnh Sóc Trăng) để lấy được giống lúa chất lượng và rẻ hơn các đại lý. Bên cạnh đó, các thành viên khi tham gia HTX sẽ được cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vào đầu vụ mùa đến lúc thu hoạch xong mới trả chi phí vật tư nên được xem như một khoản vay không lãi.

Ngoài ra, người dân còn được tham gia các lớp học kỹ thuật chăm sóc lúa do HTX liên kết với khuyến nông huyện thực hiện và chuyển giao kỹ thuật đầu bờ (hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc trực tiếp ngay tại thửa ruộng)... Nhờ vậy, đến nay HTX đã triển khai được 4 vụ cho năng suất cao, bình quân 10 tấn/ha.

Hợp tác xã Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Nông lâm ngư nghiệp Thiên Phú dùng thiết bị bay phun thuốc trên cánh đồng xã Buôn Tría (huyện Lắk).

Sau khi tham gia sản xuất lúa theo phương thức tập thể, có sự tham gia bao tiêu từ HTX, chị Nguyễn Thị Thời (thôn Buôn Tría, xã Buôn Tría) đã thấy được hiệu quả rõ rệt so với cách sản xuất lúa truyền thống trước đây. Chị Thời chia sẻ, gia đình chị có 3 ha đất trồng lúa khoảng 30 năm nay, thay vì trồng thủ công truyền thống như trước đây, từ ngày tham gia HTX, được áp dụng khoa học kỹ thuật giúp việc sản xuất dễ dàng hơn hẳn. Gia đình chị được HTX hỗ trợ phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái, giúp giảm liều lượng thuốc sử dụng, giảm nhân công và tránh ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Thay vì mỗi năm chị phải thuê nhân công phun thuốc BVTV từ 450 nghìn đồng/ha thì dùng thiết bị bay giúp giảm 1/3 chi phí còn 300 nghìn đồng/ha. Vào vụ thu hoạch lúa có máy gặt đập liên hợp không phải thuê nhân công gặt hái nên chi phí sản xuất từ đó cũng giảm hơn nhiều so với trước.

Tương tự, là người có kinh nghiệm trồng lúa lâu năm, anh Hoàng Văn Nam (thôn Buôn Tría, xã Buôn Tría) cho hay, gia đình anh sở hữu diện tích 4,7 ha lúa với năng suất bình quân 9 tấn/ha, nhưng từ ngày tham gia vào HTX, anh học hỏi được nhiều kỹ thuật chăm sóc nên vụ mùa năm nay, anh thu được 10 tấn/ha. Ngoài ra, hạt lúa của bà con làm ra được các công ty, doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn thị trường từ 100 - 300 đồng/kg. Đầu ra sản phẩm lúa thông thoáng, không có tình trạng ép giá như ngày trước. Đồng thời, người dân còn có thêm một cơ sở để lựa chọn vật tư sản xuất nông nghiệp (phân bón, giống, thuốc BVTV...) uy tín, tránh phụ thuộc vào một số đại lý bán sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Các thành viên trong Hợp tác xã Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Nông lâm ngư nghiệp Thiên Phú kiểm tra chất lượng lúa trước khi bán ra thị trường.

Năm 2021, HTX đã xin được nguồn vốn hỗ trợ cho người trồng lúa theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP, ngày 11/7/2019 của Chính phủ về triển khai mô hình liên kết “Cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lúa thương phẩm”. Theo đó, Nhà nước đã hỗ trợ gần 1 tỷ đồng cho bà con trồng lúa sử dụng phân bón hữu cơ (phân gà nở) mang lại độ phì nhiêu cho đất giúp vừa tăng năng suất, chất lượng hạt gạo (từ 15 - 20%) vừa tiết kiệm chi phí phân bón hóa học (hơn 4 triệu đồng/ha).

Ông Nguyễn Hoàng Đương, Giám đốc HTX cho biết, từ ngày tham gia vào sản xuất kinh tế tập thể bà con rất phấn khởi. Bởi việc liên kết sản xuất đã giúp nông dân mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phân bón hữu cơ vào canh tác. Ngoài ra, HTX liên kết thành công với doanh nghiệp trong sản xuất lúa với nhiều phương thức hợp tác như hợp đồng đầu tư phân bón, thuốc BVTV và thu mua sản lượng lúa đã giúp nông dân giảm được gánh nặng đầu tư lại tăng được lợi nhuận. Nhận thức rõ những hiệu quả HTX mang lại, trong thời gian tới, đơn vị sẽ nỗ lực hoàn thiện những chỉ tiêu về xây dựng mã vùng trồng để phát triển thương hiệu gạo cho địa phương giúp tăng giá thành sản phẩm, mang lại nhiều lợi ích hơn cho bà con.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.