Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo hướng dẫn vệ sinh an toàn thực phẩm tổ yến và quy trình vận hành nhà yến hiệu quả

10:38, 05/12/2022

Chiều 4/12, Hội Yến sào Đắk Lắk đã tổ chức Hội thảo hướng dẫn vệ sinh an toàn thực phẩm tổ yến và tinh chế tổ yến, quy trình vận hành nhà yến hiệu quả, vệ sinh thú y nhà yến.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ngành liên quan; các chuyên gia nghiên cứu về chim yến và nghề nuôi yến; các doanh nghiệp hoạt động trong nghề nuôi yến và kinh doanh sản phẩm tổ yến là hội viên Hội Yến sào Đắk Lắk cùng các hộ nuôi yến trong và ngoài tỉnh.

th
Đại biểu tham dự tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được hướng dẫn một số nội dung về vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu sơ chế, tinh chế tổ yến và sản xuất các sản phẩm liên quan đến tổ yến, quy trình cấp phép an toàn thực phẩm và set up phòng tinh chế, chế biến tổ yến; các giải pháp diệt công trùng cho nhà yến; quy trình chế biến, tinh chế, bảo quản tổ yến; thủ tục cấp phép cho nhà yến, các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tổ yến và giải pháp nâng cao chất lượng tổ yến; quy trình vận hành nhà yến hiệu quả và các giải pháp chống thiên địch cho nhà yến; tìm đầu ra cho tổ yến và hướng đến xuất khẩu tổ yến.

th
Chủ tịch Hội Yến sào Đắk Lắk Phạm Văn Hậu phát biểu tại hội thảo.

Ban tổ chức cũng đã dành nhiều thời gian để lắng nghe ý kiến đóng góp và giải đáp thắc mắc của hội viên dưới sự tham vấn của các diễn giả, đại biểu khách mời và cơ quan quản lý; tiến hành vinh danh nhà tài trợ cho hội thảo.

th
Đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y lưu ý một số vấn đề trong hoạt động nuôi chim yến.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch Hội yến sào Đắk Lắk nhấn mạnh, vừa qua, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký và có hiệu lực. Đây là cơ hội và động lực quan trọng để ngành yến Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng phát triển bền vững; là cú hích cần thiết giúp ngành yến Đắk Lắk có định hướng rõ nét hơn để phát triển với mục tiêu xây dựng thương hiệu Yến sào Đắk Lắk đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, làm tiền đề để tiến tới xuất khẩu đến các thị trường khắt khe hơn…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động nuôi chim yến, ông Phạm Văn Hậu đề nghị các đại biểu tham gia hội thảo tiếp thu và nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung, hướng dẫn, đồng thời tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến có chất lượng, hiệu quả, đặc biệt là nêu rõ những bài học kinh nghiệm rút ra trong thực tiễn gây nuôi yến và chế biến sản phẩm từ tổ yến.

th
Vinh danh các Nhà tài trợ tại hội thảo.

Được biết, toàn tỉnh hiện có trên 1.000 nhà yến, tuy nhiên, ngành nuôi yến mới chỉ mang tính phong trào, tự phát, người nuôi yến còn thiếu và yếu về kỹ thuật gây nuôi, sơ chế, chế biến sâu, thông tin về thị trường, giá cả. Đặc biệt là sự gắn kết giữa các cơ sở gây nuôi, thu mua, chế biến còn lỏng lẻo, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa hình thành nên chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm từ tổ yến, việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cơ sở gây nuôi trước vấn nạn săn bắn chim yến chưa được đảm bảo.

Tại hội thảo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẳng định trong thời gian tới sẽ chủ động phối hợp với Cục chăn nuôi và các đơn vị liên quan tăng cường nghiên cứu, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cùng các cấp có thẩm quyền tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng để hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Yến sào Đắk Lắk phát huy vai trò nòng cốt, là hạt nhân trong việc phát triển ngành yến trên địa bàn tỉnh theo chuỗi giá trị, tiến tới xây dựng thương hiệu Yến sào tỉnh Đắk Lắk.

Hồng Chuyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.