Multimedia Đọc Báo in

Những quy định pháp luật liên quan đến việc nuôi chim yến

12:05, 18/10/2020

Trước đây, chim yến là động vật hoang dã, thuộc nhóm động vật quý, hiếm (nhóm IIB trong Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ).

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, chim yến đã trở thành một trong những vật nuôi có giá trị kinh tế cao, kéo theo phong trào nuôi yến những năm gần đây.

Khi việc nuôi, khai thác nguồn lợi từ chim yến đã trở nên phổ biến, tất yếu cần phải có quy định để quản lý hoạt động này. Trước đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22-7-2013 quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến song các quy định này còn khá sơ lược, chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động này.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Hiện nay, việc quản lý nuôi chim yến được quy định cụ thể tại Điều 64 Luật Chăn nuôi năm 2018 và được quy định chi tiết tại Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21-1-2020 của Chính phủ về việc hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. Theo đó, việc nuôi chim yến phải đáp ứng những yêu cầu sau:

Chim yến chỉ được phép nuôi trong vùng nuôi chim yến do HĐND tỉnh quy định. Việc xác định vùng nuôi chim yến cũng không hề đơn giản, vùng đó phải đảm bảo đủ cả 3 tiêu chí: Phù hợp với tập tính, hoạt động của chim yến; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh; không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân. Hiện vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đang được cơ quan chuyên môn xác định để đề nghị HĐND tỉnh quy định chính thức.

Bên cạnh đó, cơ sở nuôi chim yến phải đáp ứng đủ 5 điều kiện sau: Nhà yến, trang thiết bị sử dụng cho hoạt động nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến (trường hợp nhà yến đã hoạt động trước ngày 5-3-2020 nhưng nhà yến, trang thiết bị không đáp ứng quy định thì phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới); có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động nuôi chim yến, có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; có hồ sơ ghi chép và lưu trữ thông tin về hoạt động nuôi chim yến, sơ chế, bảo quản tổ yến bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm chim yến; thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA (đề-xi-ben A); thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 19 giờ mỗi ngày (trừ trường hợp nhà yến đã hoạt động trước ngày 5-3-2020 nhưng nhà yến, trang thiết bị không đảm bảo phù hợp tập tính hoạt động của chim yến; nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300 m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh); không săn bắt, không dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến, nghiên cứu khoa học.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến phải đáp ứng 5 yêu cầu sau: Ban hành và tuân thủ quy trình kỹ thuật khai thác, sơ chế, bảo quản tổ yến; khu vực, nhà, xưởng phục vụ sơ chế, bảo quản tổ yến phải cách xa nguồn gây ô nhiễm, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; có biện pháp ngăn ngừa, xử lý phù hợp để bảo đảm sinh vật gây hại không xâm nhập vào khu vực sơ chế, bảo quản tổ yến; có nguồn nước sử dụng trong sơ chế tổ yến đạt yêu cầu tiêu chuẩn nước sinh hoạt; tổ yến sau sơ chế phải bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật theo quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP.

Với quy định cụ thể như trên, hoạt động nuôi chim yến đã có quy định tương đối rõ ràng. Người nuôi chim yến ngoài yếu tố chuyên môn kỹ thuật, cần cân nhắc yếu tố pháp lý để đảm bảo việc nuôi chim yến của mình là đúng quy định, tránh những rủi ro không đáng có từ việc không am hiểu, nắm vững quy định pháp luật.

Quang Huy


Ý kiến bạn đọc