Multimedia Đọc Báo in

Khởi sắc nông nghiệp Krông Búk

08:14, 21/12/2022

Phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, huyện Krông Búk đã triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương khởi sắc.

Thay đổi để thích ứng

Năm 2022 tiếp tục là năm khó khăn, thách thức với nông dân huyện Krông Búk bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp. Bên cạnh đó là chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, xăng, dầu tăng cao.

Trước tình hình này, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã linh hoạt thay đổi cách thức canh tác, thích ứng với biến động thị trường nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Gia đình anh Nguyễn Thái Thuận, ở thôn 13 (xã Pơng Drang) có 2 ha cà phê, để giảm chi phí sản xuất, anh tận dụng các phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp như: vỏ cà phê, trấu và phân chuồng… ủ làm phân bón hữu cơ cho vườn cây. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cà phê của gia đình anh phát triển tốt, sản lượng đạt khoảng 8 tấn/năm. Cách làm này không chỉ giúp gia đình anh giảm thiểu chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế mà còn góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Anh Thuận cho biết, nông nghiệp hữu cơ là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Năm 2022, mặc dù giá cả phân bón tăng cao, có loại tăng giá gấp đôi so với vài năm trước nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, thu nhập của gia đình.

Nông dân huyện Krông Búk thu hoạch sầu riêng.

Với những nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (xã Tân Lập) đã được cấp 4 mã vùng trồng sầu riêng với diện tích 49,5 ha. Năm 2022, sản lượng sầu riêng của HTX đạt 850 tấn. Việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch đã đưa giá trị trái sầu riêng tăng từ 50 - 60% so với năm 2021.

 

“Dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, giá cả vật tư nông sản tăng, nhưng nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp huyện trong năm 2022 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế” - ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX cho biết, trước đây các thành viên của HTX luôn lo lắng về thị trường tiêu thụ cũng như giá thu mua sầu riêng. Từ khi lô hàng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã mở ra nhiều triển vọng mới cho sản phẩm sầu riêng của địa phương tiến sâu vào thị trường tỷ dân. Người sản xuất cũng như doanh nghiệp đã thay đổi tư duy, nhận thức từ xuất khẩu nông sản tiểu ngạch sang tư duy sản xuất nông sản thương phẩm có chất lượng cao, theo tiêu chuẩn hợp đồng, được giao thương qua đường xuất khẩu chính ngạch. Bởi yêu cầu của nước nhập khẩu vô cùng khắt khe, đòi hỏi trong quá trình sản xuất, người nông dân phải tuân thủ nghiêm các quy định, có lịch ghi chép cụ thể thời gian trồng, chăm sóc bảo đảm tiêu chuẩn an toàn.

Duy trì đà tăng trưởng

Xác định nông nghiệp là trụ cột chính trong phát triển kinh tế, huyện Krông Búk đã cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả, gắn với nhân rộng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao.

Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp xây dựng và triển khai kịp thời, hiệu quả các mô hình, chương trình khuyến nông, như: mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP với diện tích 30 ha (cây sầu riêng và mắc ca) tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Cư Kbô; mô hình trồng xen sầu riêng trong vườn cà phê ở xã Pơng Drang và Cư Pơng; mô hình nuôi cá trắm cỏ, rô phi (xã Ea Ngai và Tân Lập). Ngoài ra, huyện còn vận động người dân tái canh 247,5 ha cà phê; hỗ trợ mua 4.459 cây giống cà phê tái canh thuộc chương trình của Công ty Nestlé Việt Nam; phối hợp với Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn triển khai xây dựng chuỗi liên kết sầu riêng cho 8 HTX trên địa bàn huyện, diện tích 352,73 ha, với 206 hộ tham gia...

Nông dân xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) thu hoạch cà phê niên vụ 2022 - 2023.

Năm 2022 tổng giá trị sản xuất của huyện (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 4.307 tỷ đồng. Trong đó: nông, lâm, ngư nghiệp đạt 2.327 tỷ đồng. Với sự kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất đúng thời vụ, làm tốt công tác dự báo và hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng nên năng suất, sản lượng các loại cây trồng của huyện trong năm đều tăng. Tổng sản lượng lương thực có hạt là 12.564 tấn (đạt 103% kế hoạch); sản lượng cà phê: 44.540 tấn (đạt 100,5% kế hoạch); diện tích nuôi trồng thủy sản: 89 ha, sản lượng đạt 225 tấn (bằng 113,3%).

Phát huy kết quả đạt được, năm 2023, huyện phấn đấu tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt 4.621 tỷ đồng. Trong đó nông, lâm, ngư nghiệp đạt 2.420 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 12.300 tấn; sản lượng cà phê đạt 44.400 tấn.

Theo ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng đa dạng hóa, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, phát triển thủy sản và dịch vụ nông nghiệp; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; vận động, hỗ trợ người dân tái canh cà phê; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp, trong đó chú trọng triển khai chính sách hỗ trợ đối với HTX như: tập huấn, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, nhằm giới thiệu, hỗ trợ HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc