Multimedia Đọc Báo in

Lắng nghe tâm sự người làm cà phê

08:30, 27/12/2022

Niên vụ cà phê năm nay đang đến hồi kết thúc, dân làm cà phê hối hả phơi phóng, xay xát bán ra để có khoản tiền chi phí, mua sắm khi Tết cổ truyền Quý Mão 2023 đã cận kề.

Theo đó, “bài toán lời lỗ” sau một năm đầu tư cho loại cây đặc sản này tại những vùng trồng trọng điểm ở địa bàn Đắk Lắk cũng được đặt ra với bao tâm sự vui buồn lẫn lộn.

Người dân buôn Jù (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) trên đường vào rẫy thu hái cà phê. Ảnh: T. Hải

Đi qua những vùng cà phê nổi tiếng như: Cư Kuin, Krông Pắc, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk và vùng ven đô TP. Buôn Ma Thuột… vào những ngày cuối năm 2022 đều thấy rõ niềm vui của người nông dân hiện rõ, nhất là trong dịp “rửa bạt” - cách gọi phổ biến của dân làm cà phê khi công việc thu hoạch đã hoàn tất.

“Rửa bạt” có nghĩa là người ta giặt giũ sạch sẽ, gấp lại và cất đi những tấm bạt dùng để trải ra trong vườn cà phê khi thu hái - và động thái này được xem như một cái "lễ" trong mỗi nông hộ làm cà phê sau một niên vụ tất bật. "Lễ" nhỏ thì gà, vịt, rau dưa và rượu đế; "lễ" to thì có cả heo và bia bọt đủ loại, tùy theo quy mô sản xuất cà phê, lợi nhuận thu được của mỗi gia đình.

Nói như ông Lê Đỉnh (buôn Jù, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), đó là nét khác biệt, thậm chí đặc sắc của dân làm cà phê ở đây - qua đó chứng tỏ một cách sinh động sức lan tỏa về giá trị kinh tế cũng như văn hóa mà cây cà phê mang lại trong đời sống cộng đồng, xã hội. 

Theo ông Lê Đỉnh thì niềm hân hoan của dân làm cà phê có phần giảm sút vì hiện trạng “được giá nhưng mất mùa”. Hiện giá cà phê ở Đắk Lắk đang nhích lên ở mức hơn 40.000 đồng/kg nhân xô, với mức giá này, người làm cà phê có lời chút đỉnh so với những niên vụ trước. Tuy nhiên, sản lượng thu được lại không cao, do mức đầu tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu) cho vườn cây rất hạn chế do giá cả đầu vào đều tăng gần gấp đôi.

Theo tính toán của người trồng cà phê, suất đầu tư bình quân cho 1 sào cà phê là 3 bao (loại 50 kg) phân urê hay kali/niên vụ. Nếu như  trước đây, giá phân bón chỉ trên dưới 500 nghìn đồng/bao thì người làm cà phê chăm bón đầy đủ với định mức ấy, nay tăng lên gần 1 triệu đồng/bao, nhiều người đành giảm suất đầu tư xuống còn một nửa, khiến sản lượng giảm theo.

Thu hoạch cà phê tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc. Ảnh: T. Hải

Theo tâm sự của anh Y Bun Niê (buôn Ta Ra, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc), hay chị Trịnh Thị Nguyệt (thôn 4, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin), đời sống của nhiều nông hộ làm cà phê ở đây, dù người ít kẻ nhiều đã không còn sung túc như xưa; việc gắn bó với cây cà phê hiện nay chủ yếu là để giữ đất vườn/rẫy nhằm chờ cơ hội mới, hoặc tìm tòi hướng phát triển phù hợp hơn, chứ không còn là lợi thế để phát triển kinh tế như vài ba thập niên trước. Bên cạnh đó, cây cà phê đang phải cạnh tranh với nhiều loại cây trồng đang “hot” khác như bơ, ca cao và đặc biệt là sầu riêng - sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường rộng lớn Trung Quốc theo con đường chính ngạch vào giữa tháng 9/2022 vừa qua.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.