Multimedia Đọc Báo in

Thu ngân sách nhà nước – những kết quả ấn tượng

08:06, 09/12/2022

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, trong nước cũng như thiên tai, dịch bệnh…, nhưng với việc thực hiện quyết liệt, linh hoạt các biện pháp, năm 2022 công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả ấn tượng, tạo tiền đề thuận lợi để phấn đấu trong năm 2023 Đắk Lắk sẽ gia nhập “Câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng”.

Nhiều chỉ tiêu thu NSNN vượt kế hoạch

Trong bối cảnh khó khăn do kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng nặng nề do xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine, chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của Trung Quốc đã khiến việc cung ứng các mặt hàng nhiên liệu, lương thực và một số nguyên liệu đầu vào khó khăn, giá cả tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp; hoạt động SXKD của một số ngành nghề còn khó khăn; thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cũng đã tác động không thuận lợi đến việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2022. Tuy nhiên, với quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường các biện pháp thu NSNN.

Dây chuyền sản xuất bia chai của Nhà máy Bia Sài Gòn - Đắk Lắk. Ảnh: Minh Thông

Nhờ đó, tổng thu cân đối NSNN năm 2022 đạt được những kết quả nổi bật, ước thực hiện 9.152 tỷ đồng, đạt 137,3% dự toán Trung ương giao, đạt 111,6% dự toán HĐND tỉnh giao (tăng 11,5% so với năm 2021), trong đó nhiều chỉ tiêu thu NSNN vượt kế hoạch khá cao. Cụ thể, thu thuế, phí, lệ phí ước thực hiện 5.510 tỷ đồng, tăng so với dự toán Trung ương giao 23,7% và tăng so với dự toán HĐND tỉnh giao 20,5% (tăng 10,6% so với năm 2021). Thu biện pháp tài chính ước thực hiện 3.341 tỷ đồng, tăng so với dự toán Trung ương giao 37,3%, so với dự toán HĐND tỉnh tăng 19,6% (tăng 91,4% so với năm 2021). Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ước thực hiện 140 tỷ đồng, tăng 7,7% dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao (so với năm 2021 tăng 5,7%)...

“Đối với một số đơn vị được giao thu tiền sử dụng đất thu không hoàn thành, đề nghị xem xét, có thể chuyển cho đơn vị khác có chức năng và chuyên môn sâu để đảm bảo nguồn thu; rà soát các khu vực chuẩn bị tạo nguồn thu từ quỹ đất, có kế hoạch cụ thể để có giải pháp thu được, đảm bảo nguồn thu phục vụ cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh thu NSNN, nhất là nguồn thu từ sử dụng đất, thu biện pháp tài chính đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023 và các năm tiếp theo…”, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế.

Phân tích kết quả đạt được, Giám đốc Sở Tài chính Bùi Văn Yên cho rằng: Thu NSNN năm 2022 có nhiều bứt phá, tăng cao so với dự toán HĐND tỉnh giao là do có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2022, nhu cầu mua, chuyển nhượng bất động sản tăng cao tại một số địa bàn như: TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Ana, Cư Kuin…, đã góp phần tăng thu thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ. Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã thực hiện kịp thời các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu đô thị mới để tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất…

Phấn đấu gia nhập “Câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng”

Từ những kết quả đạt được năm 2022 đã tạo tiền đề để tỉnh xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023 là 10.100 tỷ đồng, tăng 36% so với dự toán Trung ương giao, tăng 10,3% so với ước thực hiện năm 2022.

Một dự án hoạt động trong Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Minh Thông

Đánh giá về công tác thu NSNN năm 2022 cũng như các chỉ tiêu đặt ra trong năm 2023, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế nhấn mạnh: Với mục tiêu về dự toán thu NSNN năm 2023 như vậy đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn để phấn đấu thực hiện. Bởi trong năm 2022, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số hạn chế như: thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh chỉ đạt 71,7% dự toán HĐND tỉnh đề ra (hụt thu 389,3 tỷ đồng). Đây là năm thứ hai liên tiếp thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh không đạt kế hoạch đề ra, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện giải ngân cho các dự án, phải giảm nguồn, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công…

Để đạt mục tiêu đặt ra, UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp thu ngân sách; giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, rà soát, nắm chắc các nguồn thu NSNN trên địa bàn, quản lý chặt chẽ nguồn thu từ các dự án mới, nhất là các dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió…; tăng cường dự báo, phân tích những khó khăn, thách thức có tác động đến công tác thu ngân sách để kịp thời đề ra giải pháp chỉ đạo, điều hành thu ngân sách đảm bảo linh hoạt, chủ động, thích ứng kịp thời trong điều kiện mới.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.