Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên

08:05, 05/12/2022

Vài năm trở lại đây, cùng với sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp trên cả nước, nhiều bạn sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên đã có những ý tưởng, dự án khởi nghiệp đi vào hiện thực, tạo ra các sản phẩm có tính thương mại cao.

Khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường

Nhận thấy việc sản xuất nông nghiệp của người dân mất nhiều thời gian và công sức, trong khi chi phí lắp đặt các thiết bị hỗ trợ, phục vụ sản xuất lại có giá thành khá cao khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2020, nhóm ba bạn: Lương Thị Thúy, Trần Thị Hồng Nhung, Nguyễn Nhật Tân (sinh viên ngành Sư phạm Vật lý, khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ) đã có ý tưởng chế tạo ra thiết bị hỗ trợ người dân trong việc tưới tiêu, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm cho cây trồng được thuận lợi hơn.

Dưới sự chỉ dẫn, hỗ trợ kỹ thuật của giáo viên bộ môn, sau hai năm, các bạn đã chế tạo thành công thiết bị “IOT – bạn của nhà nông”. Thiết bị có cấu tạo khá đơn giản, gồm các bo mạch, màn hình LED hiển thị nhiệt độ, độ ẩm, công tắc và bộ cảm biến đo. Với chương trình được cài đặt sẵn các chức năng tự động hóa phù hợp với từng cây trồng, vật nuôi như tưới phun sương cho vườn hoa lan, tưới nhỏ giọt ở cây sầu riêng; tạo ẩm, phát âm thanh trong nhà yến; bật tắt đèn chiếu sáng tự động… người dùng chỉ cần bật mở thiết bị ở bất cứ đâu thông qua điện thoạt di động. Để thăm dò ý kiến, các bạn đã mang thiết bị lắp thử nghiệm tại một số nhà vườn trồng hoa lan trong tỉnh, ngoài tỉnh và nhận được phản hồi tích cực khi người dùng đồng ý đặt mua sản phẩm. Nhằm mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ, các bạn đã tích cực giới thiệu sản phẩm trên trang Facebook cá nhân, trưng bày tại các cửa hàng bán thiết bị, dụng sản xuất nông nghiệp, mở hai gian hàng trên Shopee. Theo bạn Lương Thị Thúy, thiết bị có thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng sử dụng đã góp phần tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả trong quá trình sản xuất nông nghiệp cho người dân. Với giá thành dao động từ 600 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/thiết bị (tùy vào kích thước, công suất) mọi nông dân đều dễ dàng tiếp cận sản phẩm. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển tối ưu chức năng tự động hóa để sản phẩm này không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn ứng dụng trên nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống .

Đại diện Câu lạc bộ Thiên văn Trường Đại học Tây Nguyên giới thiệu sản phẩm kính thiên văn tại Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2022. Ảnh: M. T

Trong khi đó, từ mục đích ban đầu là nghiên cứu và chế tạo ra kính thiên văn để phục vụ cho nhu cầu học tập, nhưng sản phẩm kính thiên văn của các sinh viên thuộc Câu lạc bộ Thiên văn Trường Đại học Tây Nguyên đã được nhiều người biết đến và ngỏ ý đặt hàng. Do đó, từ năm 2021 các thành viên trong câu lạc bộ đã tiếp tục bắt tay vào thiết kế lại mẫu mã, làm chân đế, thêm tính năng kết nối với ti vi, máy tính, kèm theo cuốn sách hướng dẫn sử dụng… nhằm thương mại hóa sản phẩm kính thiên văn. Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với mọi người, các thành viên trong câu lạc bộ thường xuyên tổ chức những buổi tìm hiểu và trải nghiệm kính thiên văn. Với giá bán từ 2 - 10 triệu đồng/sản phẩm (tùy vào kích thước), trong năm 2021, câu lạc bộ đã bán đươc 10 sản phẩm kính thiên văn cho người dùng tại nhà và các trường học.

Ngoài hai dự án khởi nghiệp trên thì có thể kể đến một số dự án khác, như: “Nghiên cứu sản xuất nước uống sâm đá Chư Yang Sin” (khoa Nông lâm nghiệp), “Sản xuất hộp giấy từ vỏ ca cao” (khoa Kinh tế), “Làm đồ handmade” (khoa Y dược)… cũng đã mang lại những hiệu quả kinh tế ban đầu trên con đường khởi nghiệp của các bạn sinh viên khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

“Chắp cánh” cho những ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên

Theo anh Ngô Thế Sơn, Phó Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên, để truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho các bạn học sinh, sinh viên (HSSV), Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên trường đã phối hợp với nhà trường tổ chức, triển khai nhiều hoạt động, như: tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của khởi nghiệp, sáng tạo; phát động các cuộc thi khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; tổ chức gặp gỡ, giao lưu với các diễn giả, chủ doanh nghiệp, những gương khởi nghiệp thành công điển hình; thành lập và duy trì có hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ Khởi nghiệp…

Các nhóm sinh viên đạt giải triển vọng tại Cuộc thi “Cuộc thi Khởi nghiệp – Đổi mới sáng tạo năm 2022” do Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức. Ảnh: M.T

Để “chắp cánh” cho HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, từ năm 2017 Đoàn trường đã phối hợp với nhà trường tổ chức Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp" (nay là Cuộc thi "Khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo" trên các lĩnh vực: khoa học công nghệ, công nghiệp, chế tạo sản phẩm; nông nghiệp, môi trường; dịch vụ du lịch, tài chính ngân hàng... Tham gia cuộc thi, HSSV sẽ được các tổ tư vấn chuyên môn đánh giá, phân tích, giúp các thí sinh có những giải pháp, chiến lược khả thi để triển khai, thực hiện các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, hạn chế rủi ro, thất bại. Đối với những ý tưởng, dự án có tính mới, ứng dụng cao sẽ được nhà trường hỗ trợ kinh phí thực hiện và chọn tham gia cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh, cấp quốc gia. Bên cạnh đó, Đoàn trường còn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Công ty Cổ phần Vườn ươm doanh nghiệp tỉnh tổ chức các đợt kêu gọi vốn hỗ trợ những dự án khởi nghiệp của HSSV. Từ đó, có nhiều đề án khởi nghiệp của HSSV nhà trường được thực hiện và tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích.

Tuyết Mai - Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.