Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới: Vụ Bổn nỗ lực hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất

08:05, 05/12/2022

Để thay đổi tư duy, nhận thức về hình thức tổ chức sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế của người dân vùng đặc biệt khó khăn theo hướng bền vững, xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) đang nỗ lực tận dụng các lợi thế của địa phương để thực hiện tốt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất.

Đây cũng là một trong những tiêu chí khó mà xã đang nỗ lực thực hiện, bảo đảm chương trình xây dựng nông thôn mới về đích theo kế hoạch.

Với tổng diện tích canh tác lên đến gần 2.000 ha, điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết ở địa phương rất thuận lợi, phù hợp với sản xuất quy mô lớn, những năm gần đây, lúa nước đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân với năng suất và chất lượng ngày càng tăng. Chính vì vậy, giữa năm 2022, UBND xã đã vận động người dân thành lập hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Đoàn Kết, với 11 thành viên tham gia sản xuất 25 ha lúa nước tại cánh đồng thôn 7.

HTX đã triển khai liên kết với Công ty Cổ phần Nông sản N&H (TP. Buôn Ma Thuột) xây dựng mô hình 23,4 ha lúa đen, được sản xuất theo quy trình hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm ngay trong vụ đông xuân này. Theo Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đoàn Kết Huỳnh Đình Thảnh, tất cả các thành viên trong HTX đều nhận thức rõ liên kết là yêu cầu tất yếu của quá trình hội nhập kinh tế và đều đồng lòng xây dựng HTX từng bước phát triển, xây dựng chuỗi liên kết, nâng dần chất lượng, giá trị lúa gạo của địa phương, giúp tăng thu nhập cho người dân.

Cán bộ Hội Nông dân xã tham quan mô hình nuôi cá lồng bè của HTX Dịch vụ nuôi trồng và khai thác thủy sản xã Vụ Bổn. Ảnh: Phương Thảo

Tương tự, HTX Dịch vụ nuôi trồng và khai thác thủy sản xã Vụ Bổn cũng được thành lập vào giữa năm 2022 từ sự vận động của chính quyền địa phương. Từ lợi thế với 193 ha mặt nước của hồ Vụ Bổn, các thành viên HTX đã cùng góp vốn xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè, thử nghiệm nhiều loại cá có nhu cầu thị trường cao như: rô phi, diêu hồng, trắm đen, trắm cỏ, lăng đuôi đỏ… Ngoài số vốn do thành viên đóng góp, HTX còn được hỗ trợ vay 400 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Ông Lò Văn Ngân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX chia sẻ, sau hơn 4 tháng xuống giống, HTX đã thu hoạch được 2 tấn cá rô phi và diêu hồng đạt trọng lượng từ 800 gr – 1,3 kg, sớm hơn so với kế hoạch 5 ngày. Sau khi trừ các chi phí đầu tư, lợi nhuận của lứa cá thử nghiệm này đạt 18%. Bên cạnh đó, chất lượng cá được thương lái đánh giá cao về màu sắc, mẫu mã. Các loại cá còn lại, thời gian nuôi dài ngày hơn cũng đang sinh trưởng tốt. Từ kết quả bước đầu này, HTX đang tiếp tục mở rộng quy mô, tăng thêm 3 lồng lớn hơn với quy mô 20 tấn cá/lồng để tăng lợi thế cạnh tranh về cả chi phí đầu tư và đầu ra sản phẩm, tiến đến tiếp cận thị trường các tỉnh thành phía Nam. Bên cạnh đó, HTX cũng tuân thủ nghiêm các yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP, đã hoàn thiện các thủ tục và đang chờ các cơ quan chức năng thẩm định, chứng nhận.

Giới thiệu sản phẩm gạo ST25 của xã Vụ Bổn tại Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I, năm 2022. Ảnh: Đinh Nga

Vụ Bổn là một xã vùng III có diện tích rộng và nhiều thành phần dân tộc, quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, mức độ ứng dụng khoa học kỹ thuật không cao. Người dân cũng chưa quan tâm nhiều đến các hình thức liên kết sản xuất để khai thác được thế mạnh, tiềm năng sản xuất nông nghiệp của địa phương. Chính vì thế, từ đầu năm 2022, UBND xã đã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và vận động các hộ có chung ý tưởng, nguyện vọng cùng liên kết sản xuất. Đồng thời, huy động các nguồn lực hỗ trợ hai HTX mới thành lập, nâng cao năng lực quản lý, xây dựng kế hoạch sản xuất, tập trung nguồn vốn và liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn Lê Ngọc Tú cho biết, hiện nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới. Tiêu chí tổ chức sản xuất là một trong 6 tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới mà xã đang nỗ lực thực hiện với quyết tâm đạt được trong năm 2022. Tuy nhiên, giữa tháng 8/2022, UBND tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 với yêu cầu cao hơn về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Do đó, chính quyền địa phương đã thực hiện rà soát lại tiến độ thực hiện để có kế hoạch tập trung hoàn thành trong năm 2023.

“Các HTX cũng đang tích cực cùng doanh nghiệp liên kết thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc qua từng công đoạn từ sản xuất đến lưu trữ, chế biến và thương mại sản phẩm. Những nỗ lực ấy không chỉ giúp địa phương sớm về đích nông thôn mới mà còn làm thay đổi tập quán, phương thức sản xuất, góp phần tạo nên diện mạo mới cho cả vùng nông nghiệp vốn có nhiều tiềm năng nơi đây" - Phó Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn Lê Ngọc Tú.

 

Đinh Nga - Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.