Multimedia Đọc Báo in

Làng hoa, cây cảnh vào vụ Tết

05:48, 04/01/2023

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã cận kề, nông dân các vùng trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh đang tất bật tập trung chăm sóc, lên chậu chuẩn bị cho thị trường Tết với hy vọng một vụ mùa bội thu.

Những ngày này, vườn hoa của gia đình ông Phạm Ngọc Thảo (tổ dân phố 8, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đã hoàn tất các công đoạn bấm đọt và đang phun thuốc để phòng trừ sâu bệnh cho gần 1.000 chậu hoa cúc chuẩn bị cho vụ Tết. Với kinh nghiệm gần 15 năm trồng hoa, hiện nay những chậu hoa cúc pha lê của gia đình ông Thảo đã xanh mướt, mơn mởn; trong đó nhiều chậu hoa có chiều cao từ 1 - 1,5 m được ông tỉ mỉ chăm bón với hy vọng hoa phát triển đúng tiêu chuẩn để có thể bán ra với mức giá cao nhất có thể.

Ông Phạm Ngọc Thảo (bên phải) vui mừng khi những chậu hoa cúc đang phát triển tốt.

Ông Thảo chia sẻ, nghề trồng hoa cúc phục vụ thị trường Tết khá vất vả và mất rất nhiều công sức. Để những chậu cúc đạt tiêu chuẩn, nở đều vào đúng dịp Tết, gia đình ông đã rất kỹ lưỡng từ khâu xuống giống, thắp đèn, bấm đọt, bón phân và tỉa nụ… Chính vì thế, bao nhiêu năm nay, vào mỗi vụ hoa Tết, vườn hoa của ông lúc nào cũng dao động trên dưới 1.000 chậu (loại lớn) nhưng đều không đủ cung cấp cho các thương lái. Ông cũng là một trong số ít người trồng hoa trên địa bàn phường mạnh dạn đầu tư, chăm bón những chậu hoa cúc cỡ đại rất được các thương lái ưa chuộng với mức giá bán ra khoảng 1,2 triệu đồng/chậu. Được biết, hoa Tết của gia đình ông Thảo không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh mà còn được đưa đến các tỉnh như Gia Lai, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương…

Có thể nói, trồng hoa đã trở thành nghề chính của nhiều hộ gia đình trên địa bàn phường Khánh Xuân. Theo ông Nguyễn Đình Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân phường Khánh Xuân, hiện nay trên địa bàn phường có hàng chục hộ dân trồng hoa; trong đó hộ trồng ít thì vài trăm chậu, hộ trồng nhiều cũng lên đến gần 2.000 chậu. Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, ngoài việc trồng các loại hoa cúc vàng truyền thống, những năm trở lại đây, người trồng hoa đã nghiên cứu mở rộng diện tích trồng thêm các loại hoa ly, lay ơn, hoa huệ, hoa hồng... có giá trị cao, được thị trường ưa chuộng.

Vườn quất của Nhà vườn Tuấn Hà được chăm bón để phục vụ thị trường Tết.

Tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), người dân trồng hoa, cây cảnh cũng tất bật chăm bón với hy vọng một vụ mùa Tết ấm no sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ngoài các loại hoa Tết như cúc, lay ơn thì xã Hòa Thắng còn được biết đến là vựa cây cảnh lớn của tỉnh với các loại cây như hoa hồng, quất, mai... Đơn cử như ở nhà vườn Tuấn Hà (thôn 4), để phục vụ thị trường Tết năm nay, gia đình chị Hà đã trồng 700 cây quất, hơn 10.000 chậu hồng cổ và hồng Sapa. Hiện nay, vườn hồng và quất của gia đình chị đang phát triển tốt; tuy nhiên, do giá cả vật tư năm nay tăng cao nên gia đình chị chỉ hy vọng lấy công làm lãi.

Hay như ở thị xã Buôn Hồ, người dân trồng đào cũng đang tỉ mỉ cẩn thận ngắt, bấm từng lá một để giữ được các mầm nụ và cho ra hoa dịp Tết. Những năm gần đây, hoa đào Buôn Hồ được các thương lái ưa chuộng vì cho hoa lớn, thắm màu, lâu tàn hơn hoa đào ngoài Bắc đưa vào; đồng thời, giá cả cũng rẻ nên không chỉ được tiêu thụ ở Đắk Lắk mà còn được thương lái đưa đi các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và cả phía Nam. Được biết, nghề trồng đào phát triển mạnh khoảng 10 năm nay và chủ yếu ở phường Thống Nhất. Từ một vài hộ đưa cây giống từ ngoài Bắc vào trồng nhỏ lẻ ban đầu, đến nay nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư kinh phí thuê đất để mở rộng diện tích trồng như hộ ông Nguyễn Văn Chiến, hộ bà Lã Thị Hồng với số lượng lên đến 5.000 – 7.000 cây. Vụ Tết năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi nên các nhà vườn mong chờ đào ra hoa đẹp, đúng thời điểm; đặc biệt là sức tiêu thụ mạnh để họ có một cái Tết ấm no, sung túc sau một năm trời vất vả, cực nhọc chăm bón cho cây trồng.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.